Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Nguyễn Bình Di

Lời nói của Bác thật giản dị và cụ thể, giúp ta nhận thức đúng đắn hơn về vai trò quan trọng của đạo đức trong nhân phẩm con người. Nhân phẩm tốt đẹp của mỗi người không phải tự nhiên có, mà là một quá trình rèn luyện, phấn đấu lâu dài...
 Để rèn luyện nhân phẩm tốt đẹp, theo Bác thì "phê bình và tự phê bình" là một trong những vũ khí sắc bén nhất.

"Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc giáo dục cán bộ, đảng viên nắm chắc, khéo sử dụng vũ khí tự phê bình - phê bình và sửa chữa để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố chính quyền.
Người khuyên: “Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động đúng đắn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu vấn đề và tự giải đáp: “Tự phê bình là gì? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Tự phê bình chính là cuộc cách mạng diễn ra ngay trong bản thân mỗi con người, là cuộc đấu tranh trong nội tâm để tự hoàn thiện mình. Tự xét mình đó là ý thức tự rèn luyện, tự tu dưỡng, tự phấn đấu, tự răn mình. Một số người sợ mất uy tín và thể diện mình, không dám tự phê bình, lại còn bao biện, nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta… “Nói như vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết cũng la lết quả dưa”. Thực tế cho thấy, những cán bộ không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, thì người đó ngày càng lao vào khuyết điểm, càng giảm sút uy tín dẫn đến hư hỏng. Phê bình công khai có làm “suy giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền” không? Dứt khoát là có. Nhưng có “giảm bớt” này là tạm thời để rồi uy tín lại tăng lên, nếu quyết tâm sửa chữa khuyết điểm. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là việc làm như cơm “ăn cho khỏi đói”, như “rửa mặt cho khỏi bẩn”. Đó là công việc hằng ngày, hiển nhiên cần thiết. Người đặc biệt phê phán thái độ phê bình không trên tinh thần đồng chí, không có lòng xây dựng, không chân thành giúp đồng chí. Đó là thái độ “đao to búa lớn” “việc bé xé to”, hoặc lợi dụng phê bình, cường điệu nâng quan điểm để hạ bệ nhau, mạt sát nhau… Còn nếu nể nang, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chất chứa lại. Thế thì khác nào tự mình bỏ thuốc độc cho mình! Nói về Đảng, một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính." (st)

Theo tôi, "phê bình và tự phê bình" là một trong những bí kíp sắc bén nhất để rèn luyện nhân cách tốt đẹp cho mỗi người, nhưng việc tu luyện và sử dụng bí kíp này dễ hay khó? Tôi nghĩ câu trả lời là tùy vào bản thân của mỗi người chúng ta: có người bảo dễ, có người bảo khó, nhưng cũng có người trả lời theo phong cách "tương sinh tương khắc": vừa dễ vừa khó, hay là không dễ cũng không khó...
Đối với tôi, để tu luyện và sử dụng khí này thì chẳng có gì là khó khăn cả, chỉ là  tu luyện và sử dụng thôi mà... Chẳng hạn như "phê bình":
- Tôi thích người này, tôi có cảm tình với người này, thì nhận xét nhẹ nhàng, tình cảm.
- Tôi không thích người kia, tôi có ác cảm với người đó, thì sao ta? "Tập trung hoả lực" mà công kích thôi, không phải nghĩ, thậm chí thích thì có thể vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết...
  Còn "tự phê bình" ư? Chà, mình lỡ như thế này rồi, làm sao bây giờ ta...??? À mà thôi, ai cũng như ai, ai mà chẳng có lúc mấc sai lầm, có sao đâu nào...
Như trên cũng là một phương pháp tu luyện và sử dụng "Phê bình và tự phê bình", nhưng mà  tu luyện như vậy thì coi như là đã đi vào ma đạo rồi, sớm muộn cũng có ngày tẩu hoả nhập ma, không tàn thì cũng phế...
 Như vậy xem ra cái khó nhất của tu luyện và sử dụng "phê phán và tự phê phán" là tu luyện theo con đường chính đạo và phát huy đến tuyệt đỉnh công phu... Tôi chỉ xin chia sẻ một vài kinh nghiệm của các bậc tiền bối:
- Thực chất của tự phê bình và phê bình là góp ý với người khác và tự kiểm lại bản thân xem cái làm được và chưa làm được, làm tốt hoặc còn thiếu sót, sai lầm và tìm ra cách phát huy cái tốt, sửa chữa cái chưa tốt, chưa hay. Có thể nói phê bình và tự phê bình là chìa khoá để mở cho ta thấy được ưu điểm của người khác để học hỏi, cũng như thấy được khuyết điểm của mình mà khắc phục.
- Tự phê bình, cực kỳ khó, ai cũng thích được khen, chẳng ai thích bị chỉ trích cả, cho nên để tự phê bình chính mình, chính là đối diện với toà án lương tâm của chính mình, tự đặt mình vào vị trí của người khác để phê bình bản thân... khó, cực kỳ khó!
-  Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau, đã là con người thì ai cũng có những khuyết điểm và ưu điểm. Vì vậy, phê bình phải cùng lúc đạt được hai mục đích là phải cổ vũ, phát huy ưu điểm và đồng thời phải khắc phục được khuyết điểm, sai lầm. Chỉ nói cái xấu, mạt sát nhau là sai lệch, nhưng cổ vũ ưu điểm không đúng mức sẽ trở thành tâng bốc, nịnh hót nhau. Điều này đòi hỏi người phê bình phải suy nghĩ thật kỹ về điều mình sắp nói, không thêm bớt ưu, khuyết điểm, càng khách quan bao nhiêu càng mang lại hiệu quả bấy nhiêu.
- Cuối cùng là luận bàn về thái độ của người được phê bình, đương nhiên là chỉ luận bàn về  khía cạnh tiêu cực: có người sợ bị phê bình, có người lại ghét bị phê bình... Tại sao họ lại sợ bị phê bình? Có thể là do họ  không tự tin vào bản thân, không dám đối diện thử thách, họ lo ngại, không biết mình làm có được không...nên họ sợ. Còn tại sao họ lại ghét bị phê bình? Vì bởi lẽ họ cho mình là giỏi, cái gì mình cũng biết rồi, không chịu học hỏi...không những những ghét bị phê bình, thậm chí còn đâm ra thù hằn những người đã phê bình mình. Đó là những khó khăn đối với những người muốn góp ý, phê bình một cách tích cực, chỉ  là muốn giúp người khác tiến bộ hơn, kéo theo sự tiến bộ của đoàn thể... Phê bình là một cử chỉ văn hoá, tiếp thu phê bình cũng là một cử chỉ văn hoá, vì lợi ích chung, vì sự nghiệp chung.

Chỉ có đôi điều luận bản về tuyệt kỹ "phê bình và tự phê bình" , xin chia sẻ cùng các bạn. Riêng bản thân mình, cũng là đã một đôi lần sa chân và ma đạo, nhưng may mắn nhờ cao nhân chỉ điểm, cũng đã giác ngộ được vài phần... chẳng biết khi nào mới tu luyện được đến cảnh giới viên mãn, đăng phong tạo cực...




Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

Hoa khoai trong vườn Bác ! ( Quỳnh Liên 24/1/2012 )


Viết nhật ký là một công việc thường xuyên của tôi. Bình thường, sau một ngày làm việc mệt mỏi, tôi thường tâm sự với những trang nhật ký của mình chứng 10- 30 phút. Điều này có hôm được diễn ra vào những phút cuối cùng của một ngày nhưng cũng có hôm nó lại diễn ra vào những phút đầu tiên của một ngày mới. Mỗi khi viết hay đọc lại những trang nhật ký dù đó là những trang vui hay những trang buồn tôi cũng có một cảm giác rất nhẹ nhõm  như đang tâm sự với người bạn thân của mình vậy. Nhật ký đã là người thân của tôi trong suốt 8 năm qua. Tuy vậy, hôm nay, viết nhật ký làm theo lời Bác sao mà khó quá. Không biết có phải đó là vì những trang nhật ký này khác với trang nhật ký bình thường của tôi - mọi người có thể đọc nên tôi thấy khó? Có thể! Hay là do từ trước đến giờ trong suy nghĩ của tôi “nhật ký làm theo lời Bác” là một cái gì đó rất to lớn, cao siêu nên tôi lo lắng? Chắc là không phải! Không phải là những điều cao siêu như mình nghĩ đâu vì những câu chuyện kể về Bác, mình thấy Bác là một người vô cùng giản dị và những lời Bác dạy cũng rất nhẹ nhàng kia mà! Vậy do tâm lý của mình rồi. Hãy viết theo suy nghĩ của mình đi.Uhm ha, thế thì viết theo suy nghị vậy. Một lần có dịp ra Vinh chơi và ghé thăm quê Bác tại Lảng Sen, một lần nữa tôi lại được nghe kể rất nhiều về cuộc đời và gia đình Bác. Với sự thuyết minh nhẹ nhàng, ngọt ngào cuả nhân viên khu di tích, tôi như được sống và tận mắt chứng kiến tất cá mọi điều đó vậy. Trong đợt thăm quan ấy, câu chuyện về mảnh vườn trồng “hoa khoai” của Bác đã thực sự làm tôi xúc động. Đó là một mảnh vườn xinh xinh nằm phía trái căn nhà và cũng là phía sau căn bếp. Theo lời hướng dẫn viên du lịch Làng Sen: “Một lần Bác về thăm quê, bà con xóm giềng ngỏ ý trồng hoa trong vườn nhà, Bác nói: Bác đồng ý cho các cô các chú trồng hoa, nhưng mà phải là hoa khoai. Bác thấy hoa khoai rất đẹp, củ và lá đều dùng vào bữa ăn hàng ngày...” Như vậy là khu vườn của Bác được trồng một loạt toàn là rau  khoai lang. Câu chuyện thật bình dị nhưng có ý nghĩa thật sâu xa, nó giúp tôi hiểu sâu hơn nữa về con người cùa Bác – một vị lãnh tụ nhưng có lối sống giản dị, thân thiện và tiết kiệm. học tập theo tấm gương của Người, trong một lần hưởng ứng phát động “Làm xanh không gian sống” ở khu tập thể, tôi cũng đã lựa chọn cây rau mồng tơi thay vì chọn mua hoa Lan và cây Xương Rồng như những phòng khác. Trồng hoa Lan và Xương Rồng  thì đẹp đó nhưng mua giống cây lạ hết nhiều tiền (không  phù  hợp với các cô cậu sinh viên như chúng tôi) và cũng không có nhiều giá trị. Ngược lại, trồng mồng tơi, ngoài việc đem lại “không gian xanh”- đúng như tiêu chí của cuộc phát động, nó còn có thể dùng để nấu canh và cũng để cho những cô sinh viên của phòng tôi và tôi bớt đi cảm giác nhớ nhà. Tôi và những người trong phòng đều là những đứa con của vùng quê miền Bắc, lớn lên nhờ bát canh cua mồng tơi của bà, của mẹ do vậy khi vào thành phố Hồ Chí Minh học tập, chúng tôi nhớ món ăn, nhớ giàn mồng tơi xanh rờn ấy lắm. Hằng ngày chăm sóc chúng, ai cũng có cảm giác như mình đang được ở nhà vậy. Hôm nào hái rau mồng tơi nấu canh thì cả phòng lại được một bữa no xì xụp. Ở thành phố cái gì cũng có, cái gì cũng sẵn nhưng chỉ là sẵn đối với những người có tiền mà thôi. Còn đối với sinh viên chúng tôi thì lại không phải như vậy. Chính vì thế mà giàn mồng tơi càng có ý nghĩa to lớn đối với chúng tôi. Cũng giống như trong vườn nhà Bác, hoa khoai thay cho hoa Hồng, hoa Huệ thì trước của phòng tôi mồng tơi cũng thay thế cho hoa Lan, hoa Xương Rồng. Điều này không biết có phải là học tập theo gương của Bác hay không nữa hay dơn giản chỉ là ghi lại những trang nhật ký của tôi nhưng mỗi khi nhìn giàn mồng tơi xanh mướt ấy tôi thấy rất vui sướng và lại nhớ đến vườn hoa khoai giản dị, thân thiết của Người.

                                                                                            Quận 11, ngày 09 tháng 02 năm 2012
                                                                                     Đinh Thị Quỳnh Liên