Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Đỗ Thị Thủy

        Khi đọc những câu chuyện kể về Hồ Chí Minh, điều khiến tôi khâm phục nhất đó là: mỗi một sự việc diễn ra trong đời sống thường ngày dù nhỏ nhặt nhưng Người vẫn gợi lên nhiều bài học cho chúng ta suy ngẫm. Bài học về sự tiết kiệm là một ví dụ điển hình. Trước kia, Thông tấn xã Việt Nam hàng ngày đều đưa bản tin lên cho Bác xem. Khi in một mặt, Bác phê bình là lãng phí giấy. Sau đấy Thông tấn xã in hai mặt bằng rônêô, nhoè nhoẹt khó đọc hơn nhưng Bác vẫn đọc. Sang năm 1969, sức khoẻ Bác yếu và mắt giảm thị lực, Thông tấn xã lại gửi bản tin in một mặt để Bác đọc cho tiện. Khi xem xong, những tin cần thiết Bác giữ lại, còn Người chuyển bản tin cho Văn phòng Phủ Chủ tịch cắt làm phong bì tiết kiệm hoặc dùng làm giấy viết. Ngày 10-5-1969, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu bản Di chúc lịch sử bằng mực xanh vào mặt sau tờ tin Tham khảo đặc biệt ra ngày 3-5-1969. Từ giữa năm 1969, sức khoẻ Bác yếu đi nhiều nên Bộ Chính trị đề nghị: Khi bàn những việc quan trọng của Đảng, Nhà nước thì Bác mới chủ trì, còn những việc khác thì cứ bàn rồi báo cáo lại sau, Bác cũng đồng ý như vậy. Tháng 7, Bộ Chính trị họp ra nghị quyết về việc tổ chức 4 ngày lễ lớn của năm: ngày thành lập Đảng, ngày Quốc khánh, ngày sinh Lênin và ngày sinh của Bác. Sau khi báo Nhân Dân đăng tin nghị quyết này, Bác đọc xong liền cho mời mọi người đến để góp ý kiến: “Bác chỉ đồng ý 3/4 nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19-5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm sau. Hiện nay, các cháu thanh thiếu niên đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh nhật của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí”. Đọc xong mẩu chuyện này, tôi tự thấy mình phải thực hành tiết kiệm hơn nữa để không lãng phí công sức của những người xung quanh và chính bản thân mình.

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Trần Thị Phương Nam

Lời nói đi đôi với việc làm, đây là một trong những đạo lý làm người, mà Bác Hồ là một tấm gương sáng cho mọi thế hệ người học tập và làm theo.
Bác Hồ nhắc nhở: “Nói cái gì phải cho tin - nói và làm cho nhất trí - làm thế nào cho dân tin”. Trong suốt cuộc đời mình, Người đã giáo dục mọi người và chính bản thân Người đã thực hiện điều đó một cách nghiêm túc và đầy đủ nhất. ở Bác Hồ, lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để mà làm, làm phải đúng như điều đã nghĩ, đã nói. Hơn nữa, Người nói ít, nhưng làm nhiều, có những vấn đề đạo đức Người không nói mà chỉ làm. Phải đi sâu vào hành vi đạo đức của Người, chúng ta mới khám phá ra được những tầng bản chất sâu xa, cao đẹp của việc thống nhất giữa lời nói và việc làm là nguyên tắc đạo đức của Bác Hồ, bởi đó là sự thể hiện ở tấm gương đạo đức của bản thân Người và những lời Người răn về đạo đức.
Sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Bác Hồ là ở chỗ, dù việc lớn hay nhỏ, đối với Người bao giờ cũng là lời nói đi đôi với việc làm. Chính vì vậy trong cuộc sống bản thân tôi, tôi luôn đề ra cho mình nhiệm vụ là khi mình đề ra công việc thì mình phải thực hiện và hoàn thành công việc đến cùng. Ví dụ năm học 2013-2014 tôi đã đề ra cho mình mục tiêu phấn đấu đạt chiến sĩ thi đua cơ sở và song song đó, mọi việc làm tôi đều cố gắng hoàn thành, phấn đấu để đạt mục đích. Kết quả như tôi mong đợi.
Bác Hồ đã đề xuất toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói, thì Người thực hiện: “Lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Bản thân tôi không đến nỗi nhịn ăn nhưng từ mỗi hành động và việc làm tôi đều suy nghĩ cho việc chi tiêu. Ví dụ đơn giản khi tôi dạy trên lớp, tôi luôn yêu cầu học sinh kiểm tra đèn, quạt và máy điều hòa sử dụng hợp lý, không gây lãng phí….
Nói về học tập và làm theo gương Bác Hồ thì có rất nhiều và vô số, trên đây tôi chỉ nêu 2 việc làm mà tôi thường làm và nhớ nhất.


Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Lý Minh Long

         Tôi muốn kể một câu chuyện về “ hai hạt lúa”… “Ngày xửa ngày xưa có hai hạt lúa nọ được giữ lại sau khi thu hoạch để làm giống cho vụ mùa sau, cả hai hạt lúa đều to khỏe và chắc mẩy. Một hôm, người chủ định mang hai hạt lúa đi trồng ở cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất thầm nghĩ: “dại gì mà ta phải theo ông chủ ra đồng, ngoài đó vừa nắng gió, lại bị chôn vùi tan nát dưới bùn đất dơ bẩn. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi thật an toàn để ẩn nấp.” Thế là nó lăn vào một góc khuất trong kho lúa. Hạt lúa thứ hai thì ngày đêm trông chờ được ông chủ mang đi trồng, bởi vì nó rất thích thú khi được sống một cuộc đời mới. Từ khi được đem gieo, hạt lúa thứ hai phải trải qua rất nhiều gian khổ, nó bị bùn đất vùi lắp, cái nắng nóng như muốn thiêu đốt mọi thứ, lớp vỏ bảo vệ tróc ra tan nát, nhưng nó vẫn kiên trì, mạnh mẽ, hấp thu thật nhiều chất dinh dưỡng trong đất với hy vọng có một ngày nó sẽ được sống trong cuộc đời của một cây lúa cao lớn, lại còn được trổ bông thơm ngát cả cánh đồng. Trong khi đó hạt lúa thứ nhất thì ngày càng khô héo dần trong góc kho vì thiếu nước và ánh sáng. Một hôm, nó thấy mình không còn sống được bao lâu, nhưng thời gian ở trong kho nó vẫn không thể hiểu được tại sao hạt lúa thứ 2 lại thích được gieo trồng khi phải chịu đựng muôn vàng khó khăn. Nó bèn cố hết sức lực lăn ra cánh đồng nơi hạt lúa thứ hai được gieo, tới nơi thì nó thấy hạt lúa thứ hai đã lớn thành cây lúa vàng óng, trĩu hạt, đến giờ thì nó đã hiểu ra một điều rằng: “Sống là phải vươn lên, phải biết chịu đựng, vượt qua khó khăn để làm đẹp cho đời và cho chính mình. Hoặc là tiếp tục phát triển, hoặc là chết!”. 

           Cũng giống như Bác đã từng căn dặn rằng: “Luôn luôn cầu tiến bộ. Không tiến bộ thì là ngừng lại. Trong khi mình ngừng lại thì người ta cứ tiến bộ. Kết quả là mình thoái bộ, lạc hậu”.


         Trong kháng chiến, Người đã phải vượt qua vô vàng gian khổ, khó nhọc, để mang lại ấm no hạnh phúc cho chúng ta hôm nay. Lẽ nào sống trong thời bình, chúng ta lại có thể tự phụ, không biết phấn đấu vươn lên, như thế thì quả thật hổ thẹn với Người và cả những bậc anh hùng đã ngã xuống! Hôm nay viết bài chia sẻ, mặc dù tôi không kể về Bác nhiều vì tấm gương của Bác chắc chúng ta đều hiểu, vì tôi vừa xem khoảnh khắc kỳ diệu trên tivi và cảm thấy rất tâm đắc về câu chuyện hai hạt lúa nên tôi muốn chia sẻ cùng các bạn! Có đôi khi tôi hay tự hỏi rằng: “liệu tôi đang sống hay chỉ là đang tồn tại??”. Sống là phải có lý tưởng, có ước mơ, có ý chí, nghị lực để vượt qua mọi chông gai, thử thách, vượt qua mọi cám dỗ, để làm đẹp cho đời, cho Tổ quốc Việt Nam vì chúng ta là những thanh niên, là trụ cột của nước nhà. Câu chuyện trên vừa là bài học để tôi tự nhắc nhở bản thân, vừa là một thông điệp mà tôi muốn gởi đến những ai đang lo lắng, băn khoăn, đang mệt mỏi và đôi khi muốn gục ngã, đang mất phương hướng, đang cảm thấy bế tắc… Hãy cố gắng lên các bạn thân yêu nhé!

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

PHÂN CÔNG VIẾT NHẬT KÝ LÀM THEO LỜI BÁC

      Để hưởng ứng cho phong trào "Học và làm việc theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh", chi đoàn giáo viên triển khai kế hoạch viết nhật ký làm theo lời Bác dành cho các đoàn viên giáo viên trường THPT Nguyễn Hiền. Các đoàn viên giáo viên được phân công luân phiên nhau thực hiện viết nhật ký làm theo lời Bác theo sự phân công của đồng chí Lê Nguyên Phương. 
Kế hoạch phân công cụ thể như sau:
Tháng 12/2014
Từ 1/12 đến 15/12: Đồng chí Hà Cẩm Ân, Trần Văn Thuận, Nguyễn Bình Di.
Từ 16/12 đến 31/12: Đồng chí Đỗ Thị Thủy, Trần Thị Phương Nam, Đặng Ngân Hà.
Tháng 1/2015
Từ 1/1 đến 15/1: Đồng chí Trần Thị Diên, Nguyễn Lê Văn, Đinh Thị Quỳnh Liên.
Từ 16/1 đến 31/1: Đồng chí Phan Nhật Thanh Thảo, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thái Ánh.
Tháng 2/2015
Từ 1/2 đến 15/2: Đồng chí Trương Thị Bé, Nguyễn Duy Khánh, Lý Minh Long.
Từ 16/2 đến 28/2: Đồng chí Nguyễn Kim Phụng, Trần Lê Quốc Bình, Nguyễn Mai Phương.
Tháng 3/2015
Từ 1/3 đến 15/3: Đồng chí Trần Thanh Tuấn, Nguyễn Danh Tuấn, Trần Nguyễn Hương Bình.
Từ 16/3 đến 31/3: Đồng chí Vàng Thị Dạ Lan, Vũ Thúy Ngọc, Huỳnh Phương Thắng.
Tháng 4/2015
Từ 1/4 đến 15/4: Đồng chí Phan Thị Như Quỳnh, Phạm Đình Tráng, Lê Nguyên Phương.
Từ 16/4 đến 30/4: Đồng chí Nguyễn Trần Hoài Phương, Ngô Thị Hải Yến, Lê Đỗ Trâm Anh, Đỗ Ngọc Quỳnh Như.

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Ngô Thị Hải Yến

Trong suốt cuộc đời hy sinh vì dân vì nước, Bác đã gần như quên đi những gì thuộc về bản thân mình. Chúng ta và cả những bạn bè nước ngoài không còn lạ gì những chiếc áo nâu, đôi dép cao su, chiếc quạt, viên gạch sưởi lưng… vô cùng giản dị của Người.
Chiếc thắt lưng của Bác.
Thời kỳ đó là tháng 6-1954. Sau chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tới Genève để đàm phán. Hội nghị kéo dài được gần một tháng thì các bên tạm nghỉ để về nước báo cáo lập trường các bên cho chính phủ mình. Trên đường về Việt Nam các bạn Trung Quốc đã mời phái đoàn Việt Nam nghỉ lại Trung Quốc. Phái đoàn Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu.

Hôm đó, Bác nghỉ tạm tại nhà nghỉ Đảng bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Quảng Tây. Sáng, Bác Hồ đi họp, ở nhà, một cán bộ của bạn đi kiểm tra phòng Bác xem các nhân viên phục vụ phòng có chu đáo không. Sau khi xem xét một lượt, anh ta thấy trên sàn nhà một mảnh vải đã cũ, dài khoảng 80cm, rộng khoảng 10cm, màu vàng đã bạc. Đoán rằng đây là dây gói tài liệu rớt ra sau khi cầm tài liệu đi, anh ta bỏ mảnh vải vào thùng đựng giấy rác.
Bác đi họp về, hỏi: “Thắt lưng của tôi đâu? Tôi thường để sau ghế tựa nên bị rơi xuống đất”. Lúc này mọi người mới vỡ lẽ vội đi tìm và đưa lại cho Bác.
Một chiếc thắt lưng bằng da, bằng dây dù… cũng không đắt hơn một miếng vải là bao. Nhưng vấn đề ở đây: Cái quí báu trong nhân cách của Bác là tính cách luôn hy sinh, cái riêng bao giờ cũng là tối thiểu, cái dành cho sự nghiệp chung bao giờ cũng được ưu tiên tối đa. Phẩm chất trong sáng thể hiện thường trực trong những cử chỉ của Bác, dù nhỏ nhất. Thời điểm đó, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, thắt lưng chiến lợi phẩm thu được rất nhiều, nhưng Bác vẫn chỉ tiếp tục dùng chiếc thắt lưng quen thuộc cũ kỹ của mình.

Giản dị và tiết kiệm
Bà Nguyễn Thị Liên, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, kể lại rằng: Khi làm việc ở Văn phòng, đôi khi bà còn đảm nhận việc khâu, vá quần áo, chăn, màn, áo gối cho Bác. Công việc này giúp bà có điều kiện được gần Bác và học tập được rất nhiều, nhất là đức tính giản dị, tiết kiệm. Áo Bác rách, có khi vá đi vá lại, Bác mới cho thay. Chiếc áo gối màu xanh hoà bình của Người thường được chú Cần (người phục vụ Bác) đưa bà vá đi vá lại. Cầm chiếc áo gối của Bác, bà rưng rưng nước mắt. Bà nói với chú Cần thay áo gối khác cho Bác dùng nhưng Bác chưa đồng ý. Người vẫn dùng chiếc áo gối vá.

Những năm tháng giúp việc ở Văn phòng của Bác, tôi (Nguyễn Thị Liên- TNTP) có những kỷ niệm không bao giờ quên.
Bà kể rằng: Ở Việt Bắc, có một buổi Bác đi công tác về muộn, về qua Văn phòng, Bác nghỉ lại một lát vì mệt. Anh Hoàng Hữu Kháng, bảo vệ của Bác nói với bà:
- Bác mệt không ăn được cơm. Cô nấu cho Bác bát cháo.
Bác đang nằm nghỉ nghe thấy thế liền nhỏm dậy bảo:
- Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa.
Câu chuyện bà kể khiến mọi người đều xúc động và thương Bác quá chừng. Bác thật giản dị và tiết kiệm, chắt chiu như người cha lo cho một gia đình lớn, như cảnh nhà đông con mà còn túng thiếu.
Chiếc áo gối vá, bát cháo nấu bằng cơm nguội của vị Chủ tịch Nước có tác động lớn đến suy nghĩ của mỗi con người. Nhất là hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang mở cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Những câu chuyện nhỏ trên đây chính là một trong những nét đẹp về đạo đức Bác Hồ để chúng mình cùng học tập.

Vũ Thúy Ngọc

         “ Cần, kiệm, liêm, chính” là đức tính quý báu của Bác và lời dạy của người cho chúng ta. Và Bác luôn đặt tính cần lên hàng đầu, nghĩa là làm việc gì lúc nào cũng phải siêng năng cần mẫn.
            Bản thân tôi là một người kế toán, những ngày đầu tiên làm việc tại trường chuyển từ kế toán doanh nghiệp sang làm kế toán hành chánh sự nghiệp có sự thay đổi rất nhiều. Thời gian đầu tôi cố gắng ghi chép vào sổ tay công việc bàn giao, đồng thời xem lại chứng từ của những năm trước để biết cách hạch toán, phân bổ. Những công việc chưa biết làm tôi thường hỏi các chị kế toán trường khác và đăng kí học thêm khóa bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán hành chánh sự nghiệp. Theo lới Bác dạy tôi đã rất chuyên cần, chăm chỉ tìm hiểu nắm bắt , hoàn thành tốt công việc được giao.
            Tuy Bác đã đi xa nhưng Bác vẫn mãi là tấm gương sáng để chúng cháu học tập. Chúng cháu hứa sẽ cố gắng làm việc, góp một phần  nhỏ vào sự nghiệp xây đựng đất nước.

Võ Thị Làn

         Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là cơ sở cho bản thân mỗi cán bộ, đảng viên có được nhận thức đúng đắn về yêu cầu phải giữ gìn, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tính kỷ luật, dân chủ trong tập thể, tinh thần đó phải luôn thể hiện với cấp trên, cấp dưới, với quần chúng nhân dân; phải nghiêm túc phê và tự phê bình, kiên quyết chống quan liêu, chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, để xây dựng nếp sống đẹp, sống giản dị, chân thành, khiêm tốn, hết lòng vì dân, vì nước, nói phải đi đôi với làm; phải ra sức học tập, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng.

Nguyễn Trần Hoài Phương

       Với trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã để lại một dấu ấn tuyệt đẹp về tác phong và hoạt động giáo dục của mình.

Nguyễn Kim Phụng



TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Đất nước ta, dân tộc ta thật hạnh phúc khi có một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã để lại cho muôn đời sau một tấm gương đạo đức mà mỗi khi ta soi vào đấy là thấy tâm hồn ta trong sáng hơn, hành vi của ta tốt đẹp hơn và con người của ta như được nâng cao hơn. Bởi vì tấm gương của một bậc vĩ nhân nhưng lại rất đỗi bình dị, rất đỗi đời thường mà bất kỳ ai, bất kỳ một cơ quan, một đơn vị nào cũng đều có thể học tập và noi theo để tự hoàn thiện mình.

Đinh Thị Quỳnh Liên



Học tập gương rèn luyện thân thể của Bác Hồ: Có sức khỏe là có tất cả

Trong Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục đăng trên báo Cứu quốc (ngày 27-3-1946), Người đã nêu rõ: “Ngày ngày tập luyện thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ để giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới...”

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Nguyễn Thị Phương Nam



Hôm nay, tình cờ lướt web tôi đọc được những câu chuyện về Bác. Câu chuyện nào cũng để lại trong tôi nhiều suy nghĩ và những bài học ý nghĩa. Riêng có một câu chuyện đã làm tôi phải giật mình nhìn lại chính tôi. Mặt tôi đỏ lên vì thẹn, vì xấu hổ. Đó là câu chuyện Việc chi tiêu của Bác Hồ.

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Huỳnh Phương Thắng


HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH THÔNG QUA VIỆC TÌM HIỂU TÁC PHẨM “NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN”

I.    CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA TÁC PHẨM

Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 2/9/1969) – vị cha già kính yêu của dân tộc, người đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam tìm lại được giá trị thật sự của độc lập tự do – sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở Nghệ An – vùng đất nổi tiếng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã tạo nên giá trị và bản lĩnh của một nhân cách mang tên Hồ Chí Minh. Xuất thân trong gia đình khoa bảng nên từ nhỏ, Người đã thấm nhuần giá trị và tư tưởng đạo đức phương Đông. Với Người, chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước, đó là chân lý không bao giờ thay đổi. Và Người đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiêp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ bạo tàn của chủ nghĩa thực dân phương Tây.

Trần Thanh Tuấn


NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ CỦA TUỔI TRẺ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Đảng ta xác định nhiệm vụ cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là: Kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tiếp tục đường lối đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Trần Nguyễn Hương Bình



“Một nắm khi đói bằng một gói khi no” – Đó một nghĩa cử cao đẹp mà Bác Hồ đã dạy chúng ta. Tình thương của Bác bao la vô bờ bến và trang trải khắp muôn nơi: yêu thương con người, quan tâm đến đời sống và yêu luôn cả công việc của họ, giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

          Học tập nghĩa cử cao đẹp của Bác, luôn biết giúp đỡ, quan tâm đến người thân, đồng nghiệp, bạn bè khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống hay công việc. Quyên góp, hỗ trợ tiền, áo quần, gạo, sữa, ... cho các cá nhân gặp khó khăn, các đồng bào bị thiên tai, ...

          Là người đoàn viên, tôi nhận thấy mình đã học tập và làm theo lời Bác – đức tính thương người.

Ý thức được hành động ý nghĩa đó, Tôi luôn tham gia đầy đủ và vận động các bạn đoàn viên tham gia các phong trào khi Chi đoàn trường tổ chức.

Vàng Thị Dạ Lan



“Cần, kiệm, liêm, chính” là những đức tính quí báu ở Bác và là lời dạy của Người cho tất cả chúng ta. Và Bác luôn đặt tính “Cần” lên hàng đầu, nghĩa là làm việc gì, lúc nào cũng phải có sự siêng năng cần mẫn.
Trong cuộc sống cũng như trong công việc, phải trải qua rất nhiều khó khăn và thử thách, thì lời dạy của Bác với tôi lúc này càng thấm thía và ý nghĩa. Theo lời Bác, tối đã cố gắng vượt qua trong mọi tình huống, cố gắng vươn lên và học hỏi để ngày càng tiến bộ hơn, cũng như cải thiện mình về những mặt chưa tốt. Cám ơn Bác ! Cám ơn gương sáng của cuộc đời ! Đó là lời mà tôi và triệu trái tim con người Việt Nam luôn muốn gửi đến Người

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Trương Thị Bé

Xin chào tất cả các bạn!
Bản thân tôi đã lựa chọn con đường dạy học, và tôi thấy được nền giáo dục của nước ta đang thực sự đứng trước trọng trách đào tạo ra những thế hệ trẻ vừa có tâm, vừa có tài cho đất nước. Đây là đòi hỏi cao của XH cho nền giáo dục nước nhà. Người giáo viên chân chính phải là người có kiến thức vững vàng, ít nhất là trong lĩnh vực mình giảng dạy, kỹ năng truyền giảng tài tình, có lòng nhiệt huyết đam mê dạy học và lòng yêu thương học sinh như chính người con, người em của mình. Mỗi ngày trôi qua, thế giới lại có những thay đổi diệu kỳ và trong chúng ta, bất cứ ai cũng có mong muốn được tiếp cận với những tinh hoa của nhân loại. Học sinh cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Áp lực đối với người giáo viên là không nhẹ nhàng chút nào. Vậy làm thế nào để người thầy càng nâng cao được vai trò của mình?
Học trò cần có người thầy giỏi, người thầy cũng cần những người thầy giỏi dẫn dắt mình. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Bác Hồ-Người thầy vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã viết: “Lấy tự học làm cốt”. Ngày 21-7-1956, nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”.  Những lời dạy của Bác là người thầy của tôi, đến lứa tuổi của tôi thì phải lấy tự học làm chính. Tôi đã tìm đọc nhiều cuốn sách nghiên cứu về giáo dục của trong và ngoài nước như “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” của Adam Khoo; “Nói sao cho trẻ chịu nghe và nghe sao cho trẻ chịu nói” của Adele Faber, Elaine Mazlish, “Nói sao cho trẻ chịu học ở nhà và ở trường” của cùng tác giả; Tôi cũng tìm những bộ phim có nội dung học đường của Mỹ, Hàn Quốc như “Những tâm hồn lạc lối”, “Nữ hoàng lớp học… ”, sách đã chỉ cho tôi nhiều điều mới mẻ và sách cũng đã trở thành người thầy của tôi.
Tôi cũng học hỏi kinh nghiệm dạy học và kinh nghiệm làm chủ nhiệm từ những đồng nghiệp thân yêu của tôi, họ cũng đã giúp tôi gỡ bỏ được rất nhiều những khó khăn trong việc giáo dục học sinh, họ cũng là những người thầy của tôi.
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian quý báu của mình để đọc bài viết của tôi. Nếu các bạn biết cuốn sách hay, những bộ phim hay về giáo dục … hãy giới thiệu và chia sẽ cho tôi với nhé!!! Tôi nhất định sẽ tìm đọc, sẽ xem. Thanks!
                                                                                    




Lý Minh Long

Qua học tập và nghiên cứu làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tôi xin trình bày những cảm nhận về nhận thức và tự liên hệ về việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lối sống của bản thân như sau:

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Phan Nhật Thanh Thảo


     "Bác Hồ đã tự tay viết lời kêu gọi toàn dân tập thể dục vào cuối tháng 3/1946. Lời kêu gọi này lần đầu tiên được tăng trên báo Cứu Quốc số ra ngày 27/3/1946."
      Buổi sáng của tôi bắt đầu khi trời vừa hửng sáng, đi bộ vài vòng khu phố rồi ra svđ Phú Thọ chạy vài vòng đến khi toát mồ hôi thì mới đi về, và chuẩn bị để đi lên trường bắt đầu công tác giảng dạy. Mọi ngày đều bắt đầu như thế. Cuối tuần rảnh rỗi, thì đi đánh bóng bàn với bạn bè, vừa giúp cho sự phản xạ tốt hơn, vừa có thể giúp mở rộng được nhiều mối quan hệ - giao lưu học hỏi nhau.
      Sáng dậy sớm giúp ta có cảm giác như một ngày như dài hơn, nhiều thời gian để làm được nhiều việc hơn. Tập thể dục buổi sáng, giúp tinh thần minh mẫn hơn, cơ thể khỏe khắn hơn để chuẩn bị cho một ngày tốt hơn.

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

PHAN THỊ NHƯ QUỲNH

  HỌC TẬP TẤM GƯƠNG GIẢN DỊ CỦA NGƯỜI!

Bước sang tuổi 26, tôi đã trải qua không it chông gai thử thách trong cuộc sống của một người trẻ, chính những thách thứccủa cuộc sống khiến tôi trưởng thành lên mỗi ngày. Tôi cảm nhận được điều đó khi thấy bản thân mình còn nhiều khiếm khuyết cần phải học tập để hoàn thiện hơn. Và ở thời điểm này, tôi chọn cho mình tấm gương sống giản dị của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới. Suốt cả cuộc đời mình, Người luôn một lòng vì nước, vì dân, đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Tuy đã đi xa, nhưng Người đã để lại cho nhân dân ta di sản tinh thần to lớn, những tư tưởng vô giá, những giá trị nhân văn cao cả, trong đó, đặc biệt là tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng của Người.
Tấm gương đạo đức, phong cách của Người được thể hiện trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, đó là đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị và đức khiêm tốn hết mực. Người coi khinh sự xa hoa để sống một cuộc đời trong sạch, suốt đời thực hành cần, kiệm, liêm, chính một cách cần mẫn.
Hồ Chí Minh luôn luôn nói đi đôi với làm. Trong hành trình tìm đường cứu nước, dù ở đâu, làm gì, Hồ Chí Minh chấp nhận mọi công việc, miễn là việc đó có lợi cho tổ chức, cho cách mạng. Người là tấm gương sáng về người lãnh đạo, người đứng đầu ở vị trí cao nhất nhưng luôn trung thành, tận tụy vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, không mưu cầu lợi ích riêng cho cá nhân và gia đình. Người tâm sự khi phải giữ trọng trách Chủ tịch nước: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thi tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.
Với nét đơn sơ, mộc mạc và giản dị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng của phong cách đạo đức con người Việt Nam. Cả cuộc đời hy sinh vì dân, vì nước, Bác đã gần như quên đi những gì thuộc về bản thân mình. Mỗi chúng ta và cả những người nước ngoài đều biết tới đôi dép cao su, những chiếc áo, chiếc quạt, viên gạch sưởi lưng... vô cùng giản dị của Bác.

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Pham Dinh Trang

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, không phải chịu đựng sự đau thương của cảnh “nước mất nhà tan” của kiếp “nô lệ” khổ nhục, chịu sự đô hộ cướp bóc của bọn thực dân phong kiến và chứng kiến những hy sinh, mất mát mà lớp cha anh đã phải trải qua vì độc lập tự do của dân tộc… tuổi trẻ chúng tôi hiểu rằng hạnh phúc ngày hôm nay được tiếp nối bằng truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc, bằng những bước đi trên con đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (1911), bằng bao xương máu của các chiến sĩ đã hy sinh quên thân mình để bảo vệ, giữ chặc từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, các anh đã làm lên những chiến công lừng lẫy, đập tan ách đô hộ và chiếm đóng của đế quốc Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược đem lại hoà bình, độc lập, tự do cho đất nước…
Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đó, những người đoàn viên trẻ chúng tôi đang tiếp bước cha anh đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc Năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước chúng tôi những đoàn viên trẻ của trường THPT Nguyễn Hiền  luôn hướng tới tương lai, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự phát triển của đất nước và học hỏi gương các bậc tiền nhân từ đó ra sức phấn đấu, học tập và rèn luyện vượt qua các cạm bẫy tiêu cực để cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chủ yếu là học tập lòng yêu nước, thương dân bao la của Bác, là làm theo lời Bác dạy: “Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”; “phải có chính trị trước rồi có chuyên môn”; “chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng... Đức phải có trước tài”; “cũng như sông thì có nguồn mới có nước. Không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức. Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân...”. Vì vậy, cần phải nghiêm túc phê và tự phê bình, kiên quyết chống quan liêu, chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, để xây dựng bằng được nếp sống đẹp, sống giản dị, chân thành, khiêm tốn, hết lòng vì dân, vì nước, nói phải đi đôi với làm; phải ra sức học tập, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng.
Ví dụ: các Đoàn viên trẻ trong trường tham gia  hiến máu nhân đạo cứu người. Thực hiện lối sống tiết kiệm, giản dị như tắt các thiết bị đèn, quạt trong nhà trường khi không sử dụng….Trong xu thế hội nhập kinh tế, quốc tế hiện nay, việc học tập đạo đức và lối sống của Bác phải càng được coi trọng và đẩy mạnh thực hiện.
Là những đoàn viên trẻ, nguồn nhân lực quan trọng trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước cần phải có những ý tưởng, sáng kiến làm theo lời Bác gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả trong công việc. Nếu không làm được điều này thì chỉ là hô khẩu hiệu suông. Để góp phần đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tôi nhận thấy nên đặc biệt quan tâm phát hiện, biểu dương điển hình tiên tiến, nhân tố mới, người tốt, việc tốt, nét đẹp đời thường, nét đẹp trong cuộc sống hàng ngày, để “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Trong Cuộc vận động nên coi việc rèn luyện đạo đức cách mạng là thước đo lòng cao thượng của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Bất kỳ ai có những việc làm tốt thể hiện được đạo đức của người Việt Nam, thì tùy theo mức độ mà biểu dương, khen thưởng, tuyên truyền và nhân rộng.
Trong điều kiện sống thuận lợi với những thời cơ và vận hội đang mở ra trước mắt, tuy nhiên còn không ít khó khăn, song thanh niên chúng tôi yêu Đảng, yêu Bác Hồ và đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào những chủ trương đường lối đúng đắn mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Tôi tin tưởng rằng, bằng lý tưởng của tuổi trẻ dám nghĩ dám làm chắc chắn chúng tôi ( những đoàn viên trẻ Trường THPT Nguyễn Hiền ) sẽ tham gia thực hiện Cuộc vận động thực sự có chất lượng, hiệu quả.