Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Huỳnh Phương Thắng


HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH THÔNG QUA VIỆC TÌM HIỂU TÁC PHẨM “NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN”

I.    CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA TÁC PHẨM

Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 2/9/1969) – vị cha già kính yêu của dân tộc, người đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam tìm lại được giá trị thật sự của độc lập tự do – sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở Nghệ An – vùng đất nổi tiếng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã tạo nên giá trị và bản lĩnh của một nhân cách mang tên Hồ Chí Minh. Xuất thân trong gia đình khoa bảng nên từ nhỏ, Người đã thấm nhuần giá trị và tư tưởng đạo đức phương Đông. Với Người, chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước, đó là chân lý không bao giờ thay đổi. Và Người đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiêp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ bạo tàn của chủ nghĩa thực dân phương Tây.

Là một người đặc biệt vĩ đại, nhưng ở Người, ta lại thấy được những giá trị nhân văn, những đức tính cao quý của một lãnh tụ chân chính: cần – kiệm – liêm – chính – chí công – vô tư và một tinh thần yêu nước không gì phủ mờ được. Những bài viết, những tác phẩm mà Người để lại đều thể hiện rất rõ giá trị của tư tưởng nhân văn yêu nước. Làm sao chúng ta có thể quên được những tác phẩm bất hủ được hoàn thành bằng cả cuộc đời tranh đấu của Người như: Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Kách Mệnh, Nhật kí trong tù, Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, Di chúc([1])…Trong số đó, có một tác phẩm mà sau hơn 45 năm được hoàn thành, giá trị và tính cấp thiết của nó vẫn còn vẹn nguyên. Đó là tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, được chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành vào tháng 02/1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ có những chuyển biến có lợi cho ta. Vào lúc này, ở Miền Nam, đế quốc Mỹ đã thất bại trong việc thực hiện chiến lược chiến tranh Cục bộ, buộc phải ngừng ném bom ở Miền Bắc và chấp nhận đàm phán bốn bên về lập lại hòa bình ở Việt Nam, nhưng chúng vẫn ngoan cố thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Còn ở Miền Bắc, đây là thời điểm chúng ta cần tranh thủ điều kiện có hòa bình, hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, tăng cường chi viện cho Miền Nam. Những thành tích vẻ vang trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thật sự không thể phủ nhận được. Nhưng cũng chính trong lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra sự cần thiết phải tăng cường khối đoàn kết nhất trí trong Đảng, củng cố mặt trận tư tưởng, ngăn chặn xu hướng “xả hơi” sau nhiều năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Vì thế, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, được chủ tịch Hồ chí Minh xem là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Do đó, dù đang phải đối mặt với tình trạng sức khỏe ngày càng yếu, nhưng chủ tịch Hồ Chí Minh, với bút danh T.L, vẫn cố gắng dành thời gian để hoàn thành tác phẩm này như một phương thuốc hiệu quả nhằm chữa trị tận gốc những mầm bệnh nguy hiểm đối với cách mạng.

II. NỘI DUNG CHÍNH CỦA TÁC PHẨM

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ cách mạng quan tâm nhiều nhất đến vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng. Theo Người, đạo đức chính là gốc, là nền tảng của người cách mạng. Người coi đạo đức như gốc của cây, như nguồn của sông: “cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn; cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Chính vì vậy, theo Người phải kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng phi đạo đức, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bởi chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm nhất, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân như quét sạch kẻ thù xâm lược trên đất nước ta. Tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đã thể hiện rất rõ tư tưởng đó của Người.

Như đã nói, tác phẩm được viết khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt, nên nội dung của tác phẩm tập trung vào việc vạch rõ những căn bệnh nguy hiểm có tác động tiêu cực đến sự nghiệp kháng chiến và cách mạng của cả dân tộc, đề cập đến nhiều vấn đề lớn, vừa mang tính lí luận, tính nguyên tắc nhưng trên hết vẫn là nhu cầu của thực tiễn trong việc chấn chỉnh lại tư duy, hành động, tăng cường phẩm chất và năng lực công tác của Đảng và các cán bộ đảng viên. Trong tác phẩm, Người đã nêu bật được ba nội dung chủ yếu: Một là, những thành tựu cách mạng và tấm gương đạo đức trong cán bộ Đảng viên; Hai là, những bệnh tật bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ đảng viên; Ba là, những giải pháp nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Bài viết được mở đầu với hai câu mang tính khẳng định “Nhân dân ta thường nói Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với Đảng viên và cán bộ chúng ta”. Đi trước ở đây được hiểu là sự tiên phong, gương mẫu trong cả lời nói và việc làm. Như vậy, chỉ vỏn vẹn 24 từ nhưng Bác đã khái quát được toàn diện tính chiến đấu, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên chân chính, phải gương mẫu trong công việc, trong đạo đức lối sống, trong tác phong hàng ngày, tiên phong trong suy nghĩ và hành động, dù ở hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn thì cán bộ Đảng viên cũng phải là đầu sóng, ngọn gió, chia ngọt sẻ bùi với quần chúng nhân dân. Người khẳng định đó là đạo đức của người cộng sản mà bất cứ người cán bộ Đảng viên nào cũng cần phải có.

Tiếp đó, Bác đã nêu lên những thắng lợi to lớn của Cách Mạng Việt Nam “Làm cách mạng tháng Tám thành công, kháng chiến lần thứ nhất thắng lợi và ngày nay vừa chiến đấu chống Mỹ, vừa xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Miền Bắc…” mà Người khẳng định nguyên nhân tạo nên những thắng lợi đó chính là Đảng, là sự tận tuỵ, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đi đầu lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Trong tác phẩm này, Chủ Tịch Hồ Chí Minh không nêu tên những cán bộ, đảng viên gương mẫu ấy, nhưng trước đó những đồng chí như Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ… được Bác nhắc đến rất nhiều lần như những tấm gương sáng cho sự nghiệp giải phóng nước nhà. Và Người tôn vinh “Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Đảng rất tự hào có những người con như thế”. Chỉ đôi dòng ngắn gọn, Bác đã chỉ ra cho chúng ta thấy được rất nhiều tấm gương sáng đã làm nên những chiến công rạng rỡ, làm vẻ vang non sông đất nước Việt Nam.

Cùng với việc nêu bật những ưu điểm của đại đa số cán bộ đảng viên của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không giấu giếm việc  “còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích của riêng mình trước hết. Họ không lo mình vì mọi người mà chỉ muốn mọi người vì mình”. Ở đây, Người đã đề cập đến “Chủ nghĩa cá nhân”. Có thể định nghĩa ngắn gọn về chủ nghĩa cá nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh như sau: Chủ nghĩa cá nhân là trái ngược với đạo đức cách mạng, trái với chủ nghĩa tập thể, cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân. Người chỉ ra rằng “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm như: tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ và những bệnh khác như hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh, bệnh cận thị không trông xa thấy rộng, bệnh cá nhân”…; hay như “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu… Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạngChủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt”. Trong mối quan hệ với chủ nghĩa xã hội thì “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội”. Người gọi chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm, kẻ địch ở bên trong. Người so sánh “Địch bên ngoài không đáng sợ, địch bên trong đáng sợ hơn vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Và Người đã thẳng thắn vạch ra cho mọi người thấy những bất cập, những nguy hại hết sức lớn do chủ nghĩa cá nhân gây ra: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”. Như vậy, ta có thể nhận thấy rằng chủ nghĩa cá nhân không chỉ ảnh hưởng tới từng cá nhân, mà còn gây ra một tổn thất hết sức nặng nề khi nó đã khiến một bộ phận Đảng viên thoái hoá, biến chất, vi phạm kỷ luật của Đảng; vì lợi ích cá nhân mà kéo bè kéo cánh, gây chia rẽ đoàn kết trong nội bộ Đảng, làm giảm sức mạnh của Đảng và làm mất đi niềm tin của nhân dân đối với Ðảng. Nói ngắn gọn, theo quan điểm của Người, chủ nghĩa cá nhân là một trở lực trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, là đối lập với chủ nghĩa xã hội: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”.  Vì vậy, “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đối lập với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân, do đó, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là việc làm hết sức cần thiết nhằm làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là chiến sĩ cách mạng gương mẫu của Đảng, của nhân dân. Để làm được điều này, Người đã chủ động đề ra những giải pháp cụ thể, mà trước tiên là giải pháp từ phía Đảng, phải: “ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”. Đây chính là giải pháp nhằm thiết lập nền tảng, tư tưởng, lý luận, kim chỉ nam cho hành động, tạo dựng cái nền, cái gốc của toàn Đảng đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, công tác phê bình và tự phê bình là vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng và chỉnh đốn đảng; là phương thuốc hay nhất giúp cho toàn Đảng và mỗi đảng viên sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tiến bộ không ngừng. Tiếp theo là giải pháp từ phía cán bộ Đảng viên, Người nhấn mạnh hai nhiệm vụ cụ thể: Một là phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết; Hai là phải đi sâu, đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, Người căn dặn cán bộ đảng viên phải hoà mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng.

III.  GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA CỦA TÁC PHẨM

Bằng bút pháp ngắn gọn mà sâu sắc, gần gũi, chân thực và tỉ mỉ, tác phẩm dày chưa đến 700 từ đã được Bác viết với cả tâm huyết và nhiệt tình cách mạng, vạch ra căn bệnh trầm kha, gốc của mọi tệ hại, đó là “chủ nghĩa cá nhân” và khẳng định phương thuốc cơ bản, hữu hiệu nhất để diệt trừ căn bệnh là “nâng cao đạo đức cách mạng. Đây là một trong những tác phẩm vào loại ngắn nhất, xét về mặt dung lượng ngôn từ nhưng lại chứa đựng những tư tưởng lớn, đề cập tới vấn đề quan trọng nhất đối với người cách mạng là đảng cách mạng, nhất là khi đảng đã trở thành đảng cầm quyền. Đó là vấn đề tu dưỡng đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân. Rõ ràng, học thuyết cách mạng không chỉ là tư tưởng, lý luận và phương pháp cách mạng mà còn là đạo đức và văn hóa. Không có sự trong sạch về đạo đức thì không thể có sức mạnh vượt qua mọi sự tha hóa, không vượt qua sự tha hóa thì Đảng không còn là Đảng chân chính cách mạng nữa. Tác phẩm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì vậy là một tổng kết lý luận - thực tiễn sâu sắc, có giá trị và ý nghĩa về nhiều phương diện. Có thể nói, đây là di huấn tư tưởng và đạo đức mà chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và nhân dân ta, cho một thế hệ cách mạng - không chỉ đương thời mà còn mãi về sau.

Như đã nói, giá trị của tác phẩm là ở chỗ đã tổng kết lý luận và thực tiễn về đạo đức cách mạng, trong đó sức sống của nó là sự gương mẫu thực hành đạo đức của cán bộ, đảng viên, đã làm nên sự vĩ đại và cao thượng của một đảng cách mạng. Tác phẩm dành một phần lớn để vạch rõ thực trạng về một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém, do họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Với tính phê phán nghiêm khắc, Người vạch rõ những biểu hiện những hậu quả của chủ nghĩa cá nhân. Đoạn phê phán chủ nghĩa cá nhân trong bài báo này là một thâu tóm đầy đủ nhất những gì gọi là phản đạo đức, xa lạ với cách mạng và đạo đức cách mạng.

Mặc dù, bài viết đã ra đời cách đây hơn 45 năm nhưng những quan điểm, tư tưởng của Người nêu trong tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Xây đựng Đảng không chỉ là xây dựng về chính trị - tư tưởng - tổ chức mà còn là xây dựng Đảng về đạo đức, lối sống. Đảng trong sạch, vững mạnh phải là một đảng đạo đức, văn minh. Nghiên cứu, vận dụng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh qua tác phẩm này là hoàn toàn cần thiết, vì chủ nghĩa cá nhân không thể chung sống “hòa bình” với chủ nghĩa xã hội - là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra cho Đảng và nhân dân ta.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lần nhắc nhở chúng ta rằng một đảng ngày hôm qua là vĩ đại và anh hùng, thì ngày hôm nay không nhất định và mãi mãi là như vậy nếu không tiếp tục rèn luyện, không vượt qua được những yếu kém, sai lầm và thoái hóa. Leo dốc lên đỉnh núi thì khó nhọc mà tụt xuống dốc thì dễ thôi, không ra sức rèn luyện đạo đức cách mạng, khi lòng dạ không còn trong sáng nữa, thì tụt xuống hố sâu, vực thẳm, thất bại là điều khó tránh khỏi. Cách mạng là một sự nghiệp vẻ vang, vĩ đại nhưng khó khăn, gian khổ, đòi hỏi nhiều sự hy sinh. Không có đạo đức cách mạng thì không thể làm nổi và theo đuổi đến cùng sự nghiệp ấy. Thời cuộc hiện nay đã có biết bao đổi thay, nhiều tình huống mới lạ, nhiều thử thách mới, nghiệt ngã không kém gì trong chiến tranh vào sinh ra tử trước đây đã và đang đặt ra với chúng ta. Chủ nghĩa cá nhân trong thời buổi kinh tế thị trường không chỉ xuất hiện thậm chí gay gắt trong xã hội mà còn nảy sinh, lây lan, thẩm thấu vào trong Đảng, từ con người đảng viên đến tổ chức đảng ở các cấp. Chỉ có làm theo đúng di huấn tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, bằng hành động thực tế, quét sạch chủ nghĩa cá nhân nâng cao đạo đức cách mạng mới giúp chúng ta tự vượt lên, chiến thắng bằng sức mạnh tự bảo vệ cả chính mình. Có thể xem Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là một trong ba tác phẩm([2]) đánh dấu những mốc quan trọng trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam và hoàn chỉnh tư tưởng đạo đức cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh, mà chủ yếu là hướng vào cán bộ, đảng viên - đối tượng mà Người rất quan tâm và lo lắng.

IV.   TRƯỜNG THPT NGUYỄN HIỀN VỚI VIỆC HỌC TẬP TÁC PHẨM NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG, QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN

Là đơn vị phục vụ vì sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp vẻ vang trồng người như Bác đã từng căn dặn, trường THPT Nguyễn Hiền chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thiện để mỗi một cán bộ, giáo viên và công nhân viên nhà trường thật sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, là chuẩn mực cho thế hệ tương lai của đất nước. Để đảm bảo giữ vững chất lượng và thành tích của trường, xứng đáng là một trong những đơn vị đầu ngành của thành phố, mỗi cán bộ, giáo viên, công nhân viên luôn phải nỗ lực hết mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tự phê bình và phê bình là công việc thường xuyên phải thực hiện, nhất là với những giáo viên trẻ như chúng tôi. Khi hòa nhập vào mái trường mang tên Nguyễn Hiền, chúng tôi luôn phải tâm niệm rằng mình đang và sẽ làm gì để xứng đáng với bề dày thành tích, với truyền thống tốt đẹp được bồi đắp qua rất nhiều thế hệ thầy và trò trong suốt hơn 20 năm qua.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, ngoài những đóng góp của tập thể giáo viên thì vai trò của Chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường là không thể phủ nhận được. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy thì nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị cho đội ngũ sư phạm luôn được nhà trường ưu tiên hàng đầu, bởi chúng tôi luôn quan niệm rằng, một tập thể mạnh khi và chỉ khi những thành viên trong tập thể ấy có cùng chung quan điểm, thống nhất trong tư tưởng và hành động, chỉ có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh to lớn. Vì thế, trong những buổi họp cơ quan, thầy Hiệu trưởng luôn dành phần nhiều thời gian để trao đổi về vấn đề này, thầy kêu gọi ở mỗi tổ, mỗi cá nhân tinh thần tập thể. Những hành vi chưa đúng chuẩn mực, mang tính cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ luôn bị phê bình rất nghiêm khắc. Bên cạnh việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị cho đội ngũ sư phạm từ phía nhà trường thì bản thân cá nhân chúng tôi đều ý thức rằng phải luôn luôn xem trọng lợi ích của tập thể, không vì lợi ích của cá nhân mình mà làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà trường, phải biết cân bằng giữa lợi ích của cá nhân với lợi ích của tập thể. Đặc biệt sau mỗi học kì, trường chúng tôi lại tổ chức đánh giá, xếp loại thi đua với các tiêu chí hết sức chặt chẽ, nghiêm túc. Và trong đó, việc lấy ý kiến đóng góp từ phía học sinh luôn được xem là một trong những phương thuốc hiệu quả nhất để mỗi thầy cô giáo trong trường có thể phát huy được năng lực, sở trường của mình cũng như nhìn nhận lại những thiếu sót, khiếm khuyết trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân. Những đóng góp chân thực và thẳng thắn ấy chính là bí quyết để giúp cho trường chúng tôi vững bước trong sự nghiệp giáo dục của mình.

Đọc tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta lại càng thấm thía hơn tư tưởng và nhân cách của Người. Hi vọng rằng, bất cứ ai khi đọc xong tác phẩm này đều có thể rút ra được nghĩa vụ, trách nhiệm đối với bản thân và với xã hội. Hãy luôn tự soi rọi, tự kiểm điểm bản thân xem ta đã xứng đáng với những gì mà các thế hệ cha ông ta đã để lại hay chưa.

Hồ Chí Minh – tư tưởng minh triết và nhân văn của Người là vốn quý của dân tộc !



([1]) Có 5 tác phẩm đã được chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia gồm: Đường Kách Mệnh, Nhật kí trong tù, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, Di chúc.
([2]) Cùng với tác phẩm Đường cách mệnh và Đạo đức cách mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét