Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Nguyễn Kim Phụng



TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Đất nước ta, dân tộc ta thật hạnh phúc khi có một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã để lại cho muôn đời sau một tấm gương đạo đức mà mỗi khi ta soi vào đấy là thấy tâm hồn ta trong sáng hơn, hành vi của ta tốt đẹp hơn và con người của ta như được nâng cao hơn. Bởi vì tấm gương của một bậc vĩ nhân nhưng lại rất đỗi bình dị, rất đỗi đời thường mà bất kỳ ai, bất kỳ một cơ quan, một đơn vị nào cũng đều có thể học tập và noi theo để tự hoàn thiện mình.
Như chúng ta đã biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh cả cuộc đời lo việc nước, việc dân. Người sống rất gương mẫu, là tấm gương sáng về lối sống giản dị, tiết kiệm. Địa vị càng cao, Người càng giản dị, trong sạch hơn, suốt đời “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương, hình thức”. Cuộc đời Hồ Chí Minh là tấm gương ngời sáng về đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, là mẫu mực về đời sống trong sáng, nếp sống giản dị, khiêm tốn phi thường. Cuộc đời Người từ một phụ bếp trên tàu, một thợ ảnh ở ngõ hẻm Côngpoanh đến khi trở thành Chủ tịch nước vẫn luôn là những tháng ngày thanh bạch, tiết kiệm, giản dị và tao nhã. Ngôi nhà sàn của Người có một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, một giá sách một tủ quần áo với hai bộ ka ki, một đôi dép lốp, một máy thu thanh, một chiếc đồng hồ để bàn. Đó là tất cả tài sản của một vị nguyên thủ quốc gia. Thật giản dị! Từ đôi dép cao su của những năm toàn quốc kháng chiến cho đến cả chiếc ô tô khi là một Chủ tịch nước!
Có một nhà văn đã viết: “Một con người vĩ đại, nhiều khi vĩ đại ngay cả trong những công việc bình thường”.Nhắc đến câu nói đó, nhiều người trong chúng ta lại nghĩ ngay đến đôi dép cao su và chiếc ô tô của Bác.
Sau đây là câu chuyện “Từ đôi dép đến chiếc ô tô” qua lời kể của đồng chí Phan Văn Xoàn- Cục Cảnh vệ, trích trong cuốn “Bác Hồ với chiến sĩ, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
“Đôi dép Bác Hồ - đôi dép cao su” câu nói quen thuộc đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam mỗi khi nhớ tới Bác. Bác đã dành cho dân tộc Việt Nam với tất cả tình thương bao la của một người Cha, Bác đã hy sinh cả đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân. Một trong những kỷ vật vô giá Người để lại trước lúc đi xa là Đôi dép cao su giản dị. Ít ai có thể hiểu được nó đã gắn bó như thế nào trong suốt cuộc đời Cách Mạng của Bác.
Đôi dép chỉ là một phần rất nhỏ được cắt từ chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị quân và dân ta phục kích tiêu diệt tại một vùng căn cứ địa Việt Bắc năm xưa. Nó được đo cắt rất khéo, không dày cũng không mỏng, quai trước to bản, kiểu quai dép xăng-đan, rất chắc chắn, Bác đi rất vừa chân.
Điều đáng ngạc nhiên là đôi dép cao su của Người đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều giới văn, nghệ sĩ cả trong và ngoài nước. Có những tấm ảnh chụp đặc tả về đôi dép cao su này với những suy ngẫm khác nhau. Đôi dép đã cùng Bác vào sinh ra tử, nó chất chứa bao kỉ niệm sâu sắc và cảm động không thể nào quên.
Đôi dép cao su không chỉ bên cạnh Bác trong cuộc sống thường nhật mà còn cùng Bác đi khắp mọi miền của nửa Tổ quốc thân yêu và đến với bầu bạn xa gần trên thế giới. Trong cả bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, Bác đều dùng đôi dép cao su; riêng vào mùa đông, Bác thường đi thêm đôi tất vải để giữ ấm cho chân.
Khi tới thăm đồng bào, đặc biệt thăm hỏi động viên bà con nông dân, Bác đi dép cao su, mặc bộ quần áo nâu chàm, trông rất giản dị và gần gũi. Có khi Bác còn tháo dép xách tay, xắn quần đi trên đồng nước bùn lầy cùng với bà con. Đôi dép của Người lúc nào trông cũng sạch sẽ và đen bóng. Ở bất kỳ nơi đâu, nhân dân cũng nói về đôi dép của Bác như một báu vật mà họ muốn chiêm ngưỡng. Đặc biệt là các cháu thiếu nhi, khi Bác tới thăm, chúng đã tìm mọi cách để được sờ tận tay và được tận mắt ngắm nhìn đôi dép của Bác. Rồi đến những chiến sĩ ngoài đảo xa, có dịp Bác về thăm cũng tranh nhau được sửa sang lại chiếc dép cho Bác được chắc chắn hơn.
Kể cả khi đôi dép đã cũ, Bác cũng kiên quyết giữ lại để dùng, không muốn đổi đôi mới. Bởi với Bác là chưa hề cần thiết vì lúc ấy nước nhà còn nghèo, dân chúng còn chịu rất nhiều khổ cực. Bác luôn thấu hiểu nỗi khổ của dân, vì vậy Người luôn nhắc nhở mọi người phải thực hành tiết kiệm. Đức hy sinh cao cả của Bác đã được thể hiện qua câu nói “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước được tự do, độc lập, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Kỉ niệm gắn bó của Bác với đôi dép còn thể hiện ở những ngày tới thăm các nước bạn. Vào những lần đi ra nước ngoài, Bác cũng vẫn giữ cốt cách giản dị - Người đem theo đôi dép cao su mộc mạc. Đi tới bất kỳ đâu, Bác cũng được tiếp đón với nghi thức trân trọng, kính nể và nồng nhiệt nhất. Đặc biệt, một lần đến thăm thủ đô Niu Đêli - Ấn Độ, câu chuyện về đôi dép cao su của Bác càng có thêm nhiều điều ngạc nhiên thú vị. Khi Bác tiếp các quan chức cấp cao trong Chính phủ Ấn Độ, họ đều chú ý nhìn vào đôi dép dưới chân Người, họ luôn liếc nhìn với vẻ lạ lùng và rất đỗi trân trọng. Báo chí đặc biệt bài nào cũng nói về đôi dép cao su của Bác như một chuyện lạ, một huyền thoại về một con người tuyệt vời của thế kỷ hai mươi.
Người dân Ấn Độ đã tỏ rõ lòng ngưỡng mộ đến lạ kỳ về đôi dép cao su. Khi Bác tới thăm một ngôi đền lớn và cổ kính của Ấn Độ thì có một chuyện lạ xảy ra. Lúc Bác bước vào trong đền, để lại đôi dép bên ngoài thì bất ngờ có hàng trăm phóng viên báo chí, nhiếp ảnh, quay phim ập đến vây kín đôi dép cao su của Bác. Họ như phục sẵn từ rất lâu rồi, một số phóng viên còn cúi xuống dùng tay sờ, nắn đôi dép tỏ vẻ lạ lùng và trịnh trọng. Sau đó họ vội vàng ghi chép lại những gì mình vừa thấy. Từ những góc độ, cự ly khác nhau, các phóng viên thi nhau bấm máy, họ chen nhau để có được những vị trí thuận lợi. Rồi tiếp theo đó là cảnh đám đông dân chúng kéo đến từ các ngả, ùa vào để được ngắm nghía đôi dép.
Đó chỉ là một cảnh tượng tự hào và cảm động mà bạn bè quốc tế đã dành cho đôi dép của Bác trong rất nhiều nơi Bác tới thăm. Ở bất kỳ đâu, đôi dép cao su ấy đều được mọi lớp người trong xã hội say mê ngắm nhìn và quan sát với vẻ cảm phục sâu sắc như có một phép thôi miên vậy. Điều đó cũng thể hiện sức truyền cảm lôi cuốn lạ kỳ của chính con người Bác.
Đôi dép cao su của Bác có ý nghĩa vô cùng lớn lao và nhắc nhở chúng ta phải luôn biết nâng niu, trân trọng những giá trị của cuộc sống. Hình ảnh Người bước đi ung dung, thư thái với đôi dép cao su giản dị mà vẫn toát lên vẻ uy nghiêm lạ thường, lúc nào cũng khiến chúng ta ngưỡng mộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sống thật sự cần, kiệm, giản dị. Người coi kinh sự xa hoa, không ưa chuộng những nghi thức sang trọng. Một cốt cách giản dị, một sự giản dị vĩ đại. Cuộc đời của Người từ một thợ ảnh bình thường ở ngõ hẻm Công- Poanh đến khi làm Chủ tịch nước, sống giữa thủ đô Hà Nội, vẫn một cuộc đời thanh bạch, giản dị, tao nhã. Suốt đời Người sống trong sạch vì dân, vì nước, vì con người, không gợn một chút riêng tư. Ngay trong Di chúc, Người cũng đã viết: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Khách nước ngoài vào thăm nhà sàn của Bác đã rất xúc động khi được biết Người không hề có một chút của riêng. Đó là, một cuộc đời trong sạch, suốt đời thực hành cần, kiệm, liêm, chính.
Câu chuyện là một minh chứng sinh động về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tấm gương cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Một đôi dép quá đỗi bình dị. Và trên thế gian này có hàng vạn đôi giày, đôi dép được các bậc vua, chúa, lãnh tụ sử dụng. Có nhiều đôi được đưa ra bán đấu giá hàng triệu đô-la, nhưng ý nghĩa của nó chỉ lưu giữ trong không gian và thời gian của một phiên đấu giá. Còn đôi dép cao su của Bác vượt qua mọi không gian, thời gian như một đôi dép thần kỳ...
Câu nói năm nào của Bác như vẫn còn vang vọng mãi : "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai ai cũng được học hành...". Cả đời Người không phải sống trong khuôn khổ của bốn chữ "cần, kiệm, liêm, chính" mà chính Người chứ không phải một ai khác đã làm nên bốn chữ ấy, bốn đức tính của riêng dân tộc Việt Nam chúng ta.
Bấy nhiêu đức tính cao cả chung đúc lại trong một con người đã làm cho tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở nên siêu việt, vô song “khó ai có thể vượt hơn” nhưng với sự kết hợp những đức tính đó, người còn là tấm gương mà nhiều người khác có thể noi theo .
Noi gương Bác, trong hai cuộc kháng chiến, bộ đội ta cũng sử dụng dép lốp cao su để hành quân lên Điện Biên với lòng ''quyết tâm còn cao hơn núi”, và hành quân Nam tiến với chí khí ''xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược lập nên biết bao kỳ tích anh hùng....
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà chúng ta đang thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thế hệ chúng tôi may mắn được sinh ra sau khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất. Được học tập và tìm hiểu sâu sắc hơn về những phẩm chất đạo đức của Bác, tôi càng thấm thía về chữ "kiệm". Theo Người: "kiệm không phải là bủn xỉn, keo kiệt, mà kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của của nhân dân, của đất nước và của bản thân mình, tuyệt đối không được lãng phí, xa hoa”.
Đọc “Từ đôi dép đến chiếc ô tô” để mỗi chúng ta nghiêm túc tự suy ngẫm lại bản thân mình, nhắc nhở mỗi chúng ta cần phải ra sức phấn đấu tu dưỡng và rèn luyện đạo đức. Đối với chúng ta, thực sự việc đó không phải là một việc khó khăn mấy. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng phải làm được những việc lớn lao, phải thực hiện được những cái cao siêu thì mới thể hiện được tinh thần tiết kiệm của mình, nhưng thật sự chữ "kiệm" ấy chúng ta luôn luôn bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày. Chẳng hạn tắt một chiếc quạt, tắt một cái đèn, khóa lại một vòi nước khi không còn sử dụng, đó chính là tiết kiệm; biết giữ gìn tài sản của công, đó chính là tiết kiệm. Luôn luôn tự nhắc nhở bản thân không nên phung phí vào những việc không cần thiết, đó cũng chính là tiết kiệm. Tuy nhiên bấy nhiêu đó dường như vẫn chưa đủ, không chỉ một người mà phải nhiều người, không chỉ một nhà mà phải nhiều nhà, không chỉ một nơi mà phải nhiều nơi...người người, nhà nhà, nơi nơi thực hiện tiết kiệm thì một tương lai "dân giàu, nước mạnh" thật sự không còn xa nữa. Vì vậy, mỗi chúng ta đều phải tự nhắc nhở mình và những người bên cạnh mình thực hiện tiết kiệm. Nếu ai cũng tự ý thức được việc bản thân mình cần phải làm gì để trở thành một cán bộ ích nước, lợi dân thì việc phấn đấu để trở thành một người hội đủ bốn đức tính: "cần, kiệm, liêm, chính" là một mục tiêu mà ai cũng có thể vươn tới được. Và đó cũng chính là việc làm thiết thực nhất để những bài học về tấm gương đạo đức của Bác thực sự đi vào cuộc sống.
Học tập và làm theo tấm gương của Bác, theo tôi, không có nghĩa là chúng ta học tất cả, học một cách chung chung, hay học với những chỉ tiêu xa vời, khó thực hiện. Học tập chỉ là bước nhận thức ban đầu mà quan trọng và chủ yếu làm làm theo tấm gương của Bác. Vì vậy, mỗi người, mỗi đơn vị hãy học tập và tự gắn với thực tiễn bản thân, đơn vị mình, trong lối sống, quan hệ, công tác và trong thực hiện nhiệm vụ cụ thể; từ gia đình rồi mới ra ngoài xã hội; mỗi ngày, mỗi người cố gắng làm một việc tốt cho mọi người, cho gia đình và cơ quan.
Đôi dép cao su và chiếc ô tô của Bác đã đi vào thơ ca nhạc hoạ, hiện thân trong đời sống nhân dân như một huyền thoại, gắn liền với cuộc đời vĩ đại, đức tính giản dị, ý chí kiên cường, bền bỉ cùng với dân tộc trên bước đường trường chinh vạn dặm vì độc lập tự do của Tổ quốc.  Học tập và làm theo tấm gương của Bác, qua hình tượng đôi dép và chiếc tô, càng có ý nghĩa thiết thực hơn khi trong năm 2008, chủ đề của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là : “Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực  hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; đoàn kết giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ chính trị; hết sức phục vụ nhân dân”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét