Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Đỗ Thị Thủy

        Khi đọc những câu chuyện kể về Hồ Chí Minh, điều khiến tôi khâm phục nhất đó là: mỗi một sự việc diễn ra trong đời sống thường ngày dù nhỏ nhặt nhưng Người vẫn gợi lên nhiều bài học cho chúng ta suy ngẫm. Bài học về sự tiết kiệm là một ví dụ điển hình. Trước kia, Thông tấn xã Việt Nam hàng ngày đều đưa bản tin lên cho Bác xem. Khi in một mặt, Bác phê bình là lãng phí giấy. Sau đấy Thông tấn xã in hai mặt bằng rônêô, nhoè nhoẹt khó đọc hơn nhưng Bác vẫn đọc. Sang năm 1969, sức khoẻ Bác yếu và mắt giảm thị lực, Thông tấn xã lại gửi bản tin in một mặt để Bác đọc cho tiện. Khi xem xong, những tin cần thiết Bác giữ lại, còn Người chuyển bản tin cho Văn phòng Phủ Chủ tịch cắt làm phong bì tiết kiệm hoặc dùng làm giấy viết. Ngày 10-5-1969, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu bản Di chúc lịch sử bằng mực xanh vào mặt sau tờ tin Tham khảo đặc biệt ra ngày 3-5-1969. Từ giữa năm 1969, sức khoẻ Bác yếu đi nhiều nên Bộ Chính trị đề nghị: Khi bàn những việc quan trọng của Đảng, Nhà nước thì Bác mới chủ trì, còn những việc khác thì cứ bàn rồi báo cáo lại sau, Bác cũng đồng ý như vậy. Tháng 7, Bộ Chính trị họp ra nghị quyết về việc tổ chức 4 ngày lễ lớn của năm: ngày thành lập Đảng, ngày Quốc khánh, ngày sinh Lênin và ngày sinh của Bác. Sau khi báo Nhân Dân đăng tin nghị quyết này, Bác đọc xong liền cho mời mọi người đến để góp ý kiến: “Bác chỉ đồng ý 3/4 nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19-5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm sau. Hiện nay, các cháu thanh thiếu niên đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh nhật của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí”. Đọc xong mẩu chuyện này, tôi tự thấy mình phải thực hành tiết kiệm hơn nữa để không lãng phí công sức của những người xung quanh và chính bản thân mình.

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Trần Thị Phương Nam

Lời nói đi đôi với việc làm, đây là một trong những đạo lý làm người, mà Bác Hồ là một tấm gương sáng cho mọi thế hệ người học tập và làm theo.
Bác Hồ nhắc nhở: “Nói cái gì phải cho tin - nói và làm cho nhất trí - làm thế nào cho dân tin”. Trong suốt cuộc đời mình, Người đã giáo dục mọi người và chính bản thân Người đã thực hiện điều đó một cách nghiêm túc và đầy đủ nhất. ở Bác Hồ, lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để mà làm, làm phải đúng như điều đã nghĩ, đã nói. Hơn nữa, Người nói ít, nhưng làm nhiều, có những vấn đề đạo đức Người không nói mà chỉ làm. Phải đi sâu vào hành vi đạo đức của Người, chúng ta mới khám phá ra được những tầng bản chất sâu xa, cao đẹp của việc thống nhất giữa lời nói và việc làm là nguyên tắc đạo đức của Bác Hồ, bởi đó là sự thể hiện ở tấm gương đạo đức của bản thân Người và những lời Người răn về đạo đức.
Sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Bác Hồ là ở chỗ, dù việc lớn hay nhỏ, đối với Người bao giờ cũng là lời nói đi đôi với việc làm. Chính vì vậy trong cuộc sống bản thân tôi, tôi luôn đề ra cho mình nhiệm vụ là khi mình đề ra công việc thì mình phải thực hiện và hoàn thành công việc đến cùng. Ví dụ năm học 2013-2014 tôi đã đề ra cho mình mục tiêu phấn đấu đạt chiến sĩ thi đua cơ sở và song song đó, mọi việc làm tôi đều cố gắng hoàn thành, phấn đấu để đạt mục đích. Kết quả như tôi mong đợi.
Bác Hồ đã đề xuất toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói, thì Người thực hiện: “Lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Bản thân tôi không đến nỗi nhịn ăn nhưng từ mỗi hành động và việc làm tôi đều suy nghĩ cho việc chi tiêu. Ví dụ đơn giản khi tôi dạy trên lớp, tôi luôn yêu cầu học sinh kiểm tra đèn, quạt và máy điều hòa sử dụng hợp lý, không gây lãng phí….
Nói về học tập và làm theo gương Bác Hồ thì có rất nhiều và vô số, trên đây tôi chỉ nêu 2 việc làm mà tôi thường làm và nhớ nhất.


Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Lý Minh Long

         Tôi muốn kể một câu chuyện về “ hai hạt lúa”… “Ngày xửa ngày xưa có hai hạt lúa nọ được giữ lại sau khi thu hoạch để làm giống cho vụ mùa sau, cả hai hạt lúa đều to khỏe và chắc mẩy. Một hôm, người chủ định mang hai hạt lúa đi trồng ở cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất thầm nghĩ: “dại gì mà ta phải theo ông chủ ra đồng, ngoài đó vừa nắng gió, lại bị chôn vùi tan nát dưới bùn đất dơ bẩn. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi thật an toàn để ẩn nấp.” Thế là nó lăn vào một góc khuất trong kho lúa. Hạt lúa thứ hai thì ngày đêm trông chờ được ông chủ mang đi trồng, bởi vì nó rất thích thú khi được sống một cuộc đời mới. Từ khi được đem gieo, hạt lúa thứ hai phải trải qua rất nhiều gian khổ, nó bị bùn đất vùi lắp, cái nắng nóng như muốn thiêu đốt mọi thứ, lớp vỏ bảo vệ tróc ra tan nát, nhưng nó vẫn kiên trì, mạnh mẽ, hấp thu thật nhiều chất dinh dưỡng trong đất với hy vọng có một ngày nó sẽ được sống trong cuộc đời của một cây lúa cao lớn, lại còn được trổ bông thơm ngát cả cánh đồng. Trong khi đó hạt lúa thứ nhất thì ngày càng khô héo dần trong góc kho vì thiếu nước và ánh sáng. Một hôm, nó thấy mình không còn sống được bao lâu, nhưng thời gian ở trong kho nó vẫn không thể hiểu được tại sao hạt lúa thứ 2 lại thích được gieo trồng khi phải chịu đựng muôn vàng khó khăn. Nó bèn cố hết sức lực lăn ra cánh đồng nơi hạt lúa thứ hai được gieo, tới nơi thì nó thấy hạt lúa thứ hai đã lớn thành cây lúa vàng óng, trĩu hạt, đến giờ thì nó đã hiểu ra một điều rằng: “Sống là phải vươn lên, phải biết chịu đựng, vượt qua khó khăn để làm đẹp cho đời và cho chính mình. Hoặc là tiếp tục phát triển, hoặc là chết!”. 

           Cũng giống như Bác đã từng căn dặn rằng: “Luôn luôn cầu tiến bộ. Không tiến bộ thì là ngừng lại. Trong khi mình ngừng lại thì người ta cứ tiến bộ. Kết quả là mình thoái bộ, lạc hậu”.


         Trong kháng chiến, Người đã phải vượt qua vô vàng gian khổ, khó nhọc, để mang lại ấm no hạnh phúc cho chúng ta hôm nay. Lẽ nào sống trong thời bình, chúng ta lại có thể tự phụ, không biết phấn đấu vươn lên, như thế thì quả thật hổ thẹn với Người và cả những bậc anh hùng đã ngã xuống! Hôm nay viết bài chia sẻ, mặc dù tôi không kể về Bác nhiều vì tấm gương của Bác chắc chúng ta đều hiểu, vì tôi vừa xem khoảnh khắc kỳ diệu trên tivi và cảm thấy rất tâm đắc về câu chuyện hai hạt lúa nên tôi muốn chia sẻ cùng các bạn! Có đôi khi tôi hay tự hỏi rằng: “liệu tôi đang sống hay chỉ là đang tồn tại??”. Sống là phải có lý tưởng, có ước mơ, có ý chí, nghị lực để vượt qua mọi chông gai, thử thách, vượt qua mọi cám dỗ, để làm đẹp cho đời, cho Tổ quốc Việt Nam vì chúng ta là những thanh niên, là trụ cột của nước nhà. Câu chuyện trên vừa là bài học để tôi tự nhắc nhở bản thân, vừa là một thông điệp mà tôi muốn gởi đến những ai đang lo lắng, băn khoăn, đang mệt mỏi và đôi khi muốn gục ngã, đang mất phương hướng, đang cảm thấy bế tắc… Hãy cố gắng lên các bạn thân yêu nhé!