Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Lý Minh Long

RÈN LUYỆN PHẨM CHẤT, NĂNG LỰC NHÀ GIÁO THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh một danh nhân Văn hoá thế giới, lãnh tụ thiên tài kính yêu, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc của đất nước ta, đã nhiều lần khẳng định: nghề Nhà giáo là nghề rất cao quý, rất vẻ vang. Người nói: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”. Đặc biệt, Người đã khẳng định: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang ấy, theo Người, mỗi nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức của người giáo viên. Trước hết, phải không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực toàn diện.
Trên tinh thần nắm vững quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin “bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”; Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình… Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”. Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” và lời dạy của V.I.Lênin: “Học, học nữa, học mãi” để nhấn mạnh rằng người huấn luyện nào tự mãn cho mình giỏi rồi mà dừng việc học lại là lùi bước, là lạc hậu, là tự đào thải mình. Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng ngời cho học sinh học tập noi theo.
Ngoài việc nhắc nhở các thầy giáo, cô giáo phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Người còn thường xuyên nhắc nhở mỗi thầy giáo, cô giáo phải thường xuyên rèn luyện đạo đức nhà giáo mẫu mực. Người nhấn mạnh: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”.
Để rèn luyện đạo đức, Người luôn nhắc nhở các nhà giáo phải thanh liêm, trung thực, biết đặt lợi ích của đất nước, của nhà trường lên trên lợi ích cá nhân. “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng”. Và “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”.
Trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nhà giáo, Người hết sức coi trọng việc xây dựng tình đoàn kết. Người dặn dò: “Trước hết là phải đoàn kết. Đoàn kết thật sự, giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân. Toàn thể nhà trường phải đoàn kết thành một khối thống nhất, đoàn kết phải thật sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng”.
Phải thật sự yêu nghề, yêu trò; Yêu nghề, yêu trò là phẩm chất, là yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với mỗi nhà giáo. Bởi đây là cơ sở, là động lực thôi thúc trách nhiệm và nhiệt huyết để mỗi nhà giáo phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của mình. Đó là cái tâm trong sáng và cao thượng của các nhà giáo. Mỗi cô giáo, thầy giáo phải yêu nghề, yêu trò sâu sắc thì mới có thể trở thành nhà giáo tốt, nhà giáo mẫu mực, được xã hội tôn vinh và kính trọng. Người căn dặn: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?”. Yêu trò – là tất cả vì sự tiến bộ của trò, “Phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt đối xử các cháu vùng này hay các cháu vùng khác. Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta, cũng là do Đảng và Chính phủ giao cho các cô, các chú phụ trách nuôi dạy”. Yêu nghề, yêu trò còn thể hiện trong cách quan tâm, chăm lo, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần trong trường học. Bác dặn “Các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn”.
Hiện nay, trong bối cảnh nền giáo dục nước nhà đang có nhiều tiêu cực, nhất là về nạn bằng cấp, hiện tượng tiêu cực trong thi cử, dạy thêm, học thêm, một số nhà giáo vì những lợi ích vật chất tầm thường mà đánh mất phẩm giá cao đẹp. Đặc biệt sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo có đủ đức tài, nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Trước tình hình ấy, việc nghiên cứu, quán triệt và thực hiện đúng đắn những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện phẩm chất, năng lực của đội ngũ nhà giáo càng quan trọng và cấp thiết đối với mỗi nhà giáo.
Những quan điểm và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện phẩm chất, đạo đức, năng lực của Nhà giáo ngay từ ngày đầu lập nước cho đến khi Người đi xa về sự nghiệp giáo dục – đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đào đạo những con người có tài, có đức, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, cũng chính là những vấn đề cơ bản mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt ra và yêu cầu đổi mới một nền giáo dục của nước nhà ngày càng phát triển lên một tầm cao mới và chiều sâu mới, để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước trong thời kỳ hội nhập Quốc tế hiện nay.
Lý Minh Long

NGUYỄN HỒNG NHUNG

Sài Gòn, tháng 1 năm 2016
Thời gian thấm thoắt trôi, khi cái thẻ Sinh viên tôi đã cho “ về nghỉ hưu” cũng chính là  lúc tôi bước vào một môi trường mới, một ngôi trường mới để trở thành một giáo viên thực sự. Tôi vẫn không thể tin được rằng tôi đã chính thức bị “ đuổi” khỏi giảng đường Đại học bởi kiến thức tôi “ lượm nhặt” chưa được là bao, còn nhiều vấn đề tôi cần phải tìm hiểu trước khi ra trường nhưng tôi vẫn chưa làm được, tôi lại càng bất ngờ hơn khi được Sở phân về trường THPT Nguyễn Hiền, bất ngờ này nối tiếp bất ngờ kia. Mẹ tôi cũng nói, về Nguyễn Hiền là một cơ hội nhưng cũng là một thách thức lớn đối với con, bởi đây là ngôi trường theo chương trình tiên tiến hội nhập, không giống với hai ngôi trường trước mà con đi thực tập. Mẹ nói khiến tôi càng lo lắng hơn bội phần. Tới trường nhận công tác là một sáng tinh khôi đầu tháng Tám, trời cao và trong xanh, hoa ngọc lan ở giữa sân trường chỉ còn đôi bông nhưng đã gần tàn. Tôi bỡ ngỡ và lo lắng như cô gái trẻ mới về ra mắt nhà người yêu lần đầu vậy. Mới chập chững bước vào nghề, tôi gặp hết khó khăn này đến thử thách kia, có nhiều lần tôi như bị stress và như muốn bỏ cuộc nhất là những ngày đầu tiên. Nhưng nhớ lời Bác dạy
“ Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Tôi đã cố gắng từng ngày, từng giờ để hoàn thiện bản thân mình hơn.
Về với Nguyễn Hiền- ngôi nhà thứ hai của tôi, tôi luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Ban Giám hiệu nhà trường, các thầy cô, anh chị trong tổ bộ môn cũng như toàn thể cán bộ công nhân viên nhà trường nên dường như tôi đã được tiếp thêm sức mạnh để hoàn thành công việc của bản thân được tốt hơn. Tôi nguyện sẽ cố gắng thật nhiều để trở thành một người có ích cho Nguyễn Hiền để không phụ lòng của Quí thầy cô và anh chị đi trước.

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

“ CÓ TÀI MÀ KHÔNG CÓ ĐỨC LÀ NGƯỜI VÔ DỤNG” - Nguyễn Thái Ánh



Bác Hồ đã từng dạy “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, khó chứ không phải là không làm được, khác hẳn với vô dụng, Vô dụng là không có, không còn công dụng gì nữa, chúng ta hãy nhìn vào nước Nhật, ở đó người ta dạy con trước hết không phải thông minh học giỏi mà là phải có nhân cách thật sự tốt. Qua đó mới thấy tài tuy quan trọng nhưng đức còn cần thiết hơn bởi lẽ người có tài mà sống vị kỉ, chỉ dùng tài năng để phục vụ cho bản thân mình không thôi thì chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí với lối sống cá nhân và làm việc như vậy có thể gây hại cho tập thể, gây hại cho mọi người và thậm chí nếu học có quyền lực trong tay thì thật sự là mối đe dọa cho mọi người nên thật sự đó là điều đáng quan ngại và nguy hại.
Tài năng chỉ được xem trọng khi nó gắn với quá trình cống hiến, người có tài đem khả năng của mình phục vụ tập thể, phục vụ đất nước trước khi nghĩ tới những quyền lợi cho bản thân, trong bối cảnh nền kinh tế nước nhà còn nghèo, đời sống của đại đa số nhân dân còn thiếu thốn, nếu người giởi, người tài chỉ biết đưa ra những đòi hỏi, yêu cầu nhà nước phải tạo cho mình nhiều ưu đãi, thuận lợi mới chịu làm việc thì với nguồn lực hạn chế hiện tại khó mà đáp ứng được. Ngày trước trong cuộc kháng chiến chống pháp, giáo sư Trần Đại Nghĩa cùng một số nhà khoa học khác đã sẵn sàng từ bỏ vinh hoa phú quý, xa rời điều kiện sống, nghiên cứu lý tưởng nơi xứ người để khăn gói trở về quê hương, chấp nhận gian khổ cống hiến sức mình cho sự nghiệp cách mạng. Những đóng góp của họ có vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, đó là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay trong sự nghiệp xây dựng đất nước. 
Có thể nói chúng ta không thiếu những người tài nhưng chưa có nhiều những người dám tình nguyện, chấp nhận gian khổ để lao vào khó khăn cống hiến sức mình. Những vùng sâu vùng xa còn vắng những cán bộ khoa học, những bác sĩ, kỷ sư giỏi, trong khi tại các thành phố lớn số lượng những người này có lúc dư thừa. Thiết nghĩ đây cũng là một sự lãng phí nguồn lực. Có những người hôm nay dám chấp nhận khó khăn thiếu thốn để lao động, gầy dựng thì mới có những điều kiện tốt cho những thế hệ tài năng mai sau làm việc. Nếu ai cũng muốn đến nơi có điều kiện tốt để làm việc thì những nơi khó khăn ấy sẽ khó mà phát triển. Cái vòng lẩn quẩn của việc sử dụng nhân lực còn lâu mới được tháo gỡ. 
Phải có đầy đủ hai phần Tài và Ðức, con người mới có giá trị biết tạo ý nghĩa cho cuộc sống, để được mọi người tin tưởng yêu thương. Nhờ đó mà tâm hồn ta vui thỏa, trí ta mở mang, ta yêu đời sống, biết trọng kỷ luật, gìn giữ tôn ti trật tự v.v. .
Có tài sẻ được đời trọng dụng; có đức sẻ được người mến phục. Nhờ đó mà ta có uy tín ta sẻ tự tin, sống hòa mình với mọi người. Người có đủ tài và đức sẽ không mặc cảm, đố kỵ, luôn biết tự kiềm chế, nhân nhượng, bao dung người; biết lắng nghe, tìm hiểu nguyện vọng của người để khuyến khích, tán dương khi người có điểm nổi bật thành công, hoặc để an ủi, giúp d0ở khi người gặp khó khăn, hoạn nạn. 
Tài và Ðức rất cần thiết trong đời sống. Tài để quán xuyến công việc, để giải tỏa khó khăn. Ðức để hoàn thành trọng trách mà không kiêu ngạo,giúp người mà không phách lối, khoe khoang; không khắt khe xét nét người, không lấy mình làm khuôn mẫu bắt người phải dập theo, luôn bình đẳng và công bình với mọi người.