Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Trần Lê Quốc Bình

Suốt đời phấn đấu học tập theo gương Bác đã nói: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đó là những đức tính cao đẹp mà chúng ta cần phải học tập, noi theo.

Hồ Chí Minh khẳng định: Đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Người viết: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Người quan niệm: đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác trong mình. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc; thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác để khắc phục.
Tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện thường xuyên trong mọi hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng, trong mọi mối quan hệ của mình. Phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức suốt đời. Người dạy: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Chính tấm gương đạo đức trong sáng, suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là sự quy tụ đặc sắc nhất những giá trị của đạo đức cách mạng của Người. Đặc biệt, việc Hồ Chí Minh giải thích cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư bằng thực tiễn, bằng tấm gương rèn luyện đạo đức cần mẫn hằng ngày của Người, đã củng cố thêm giá trị những phẩm chất này, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân.
Trong công việc, Hồ Chí Minh sắp xếp có kế hoạch, giờ nào việc ấy và bằng mọi cách duy trì thời gian biểu đã vạch ra. Người thường xuyên suy nghĩ để đổi mới cách nghĩ, cách làm, tìm tòi những biện pháp tối ưu để công việc được tiến hành nhanh chóng, đạt hiệu quả cao nhất. Không chỉ xây dựng kế hoạch làm việc của cá nhân, Hồ Chí Minh còn phân công hợp lý công việc cho mọi người, để ai cũng có thể làm đúng năng lực, phát huy sở trường, khắc phục sở đoản của mình. Đặc biệt, trong công việc và sinh hoạt đời thường, Hồ Chí Minh luôn tôn trọng nhân cách người khác; Người biết nâng cao con người lên, khuyến khích, động viên để con người thấy rõ giá trị đích thực của cuộc sống, có khát vọng sống làm người mãnh liệt và có ý nghĩa. Người tin tưởng ở tính tự giác và tinh thần trách nhiệm của mọi người, nhưng không bao giờ sao nhãng việc kiểm tra, đánh giá công việc của từng người, khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân cần cù, sáng tạo trong công việc.
Hồ Chí Minh là một tấm gương đấu tranh không mệt mỏi chống lại cái ác, cái xấu trong xã hội, trong mỗi con người, chống lại những biểu hiện tiêu cực, nhất là căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu trong bộ máy tổ chức của Đảng, Nhà nước để các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước thật sự trong sạch, đại diện cho nhân dân, Hồ Chí Minh có thái độ rõ ràng, công minh trước công và tội của từng cá nhân. Người viết nhiều bài báo giáo dục, cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên không được phép làm “quan cách mạng”, phòng tránh những cám dỗ đời thường để không bị gục ngã trước những “viên đạn bọc đường”. Người đã trực tiếp chỉ đạo xét xử những vụ án lớn; phân tích thấu tình đạt lý những nguyên nhân dẫn đến lỗi lầm của cán bộ, đảng viên, trong đó có đảng viên có chức, có quyền. Người chỉ ra hậu quả kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức mà các hành vi phạm tội gây ra, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào luật pháp, vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét