Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Trần Thanh Tuấn

              

  TUỔI TRẺ VIỆT NAM

"Sống, chiến đấu, lao động, học tập, theo 5 điều Bác dạy"

 

5 điều Bác dạy thiếu nhi:

- Một là:Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào;

- Hai là:Học tập tốt, lao động tốt;

- Ba là:Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt;

- Bốn là:Giữ gìn vệ sinh thật tốt;

- Năm là:Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm .

         Đó là tư tưởng trồng người của Bác Hồ là nội dung giáo dục toàn diện được đúc kết một cách sâu sắc, cụ thể và dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi để giáo dục thiếu nhi. Làm theo 5 điều Bác dạy, các em sẽ được chuẩn bị ngay từ khi còn nhỏ tinh thần phẩm chất và năng lực của con người mới xã hội chủ nghĩa; Phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

 5 điều Bác Hồ dạy thanh niên.

        - Một là:Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng "trung với nước hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành khó khăn nào cũng vượt qua kẻ thù nào cũng đánh thắng". Không sợ gian khổ hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

       - Hai là:Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể của nhân dân, tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do.

        - Ba là:Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng tự mãn, chống lãng phí xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp nhau cùng tiến bộ mãi.

        - Bốn là:Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.

        - Năm là:Luôn luôn dìu dắt và giáo dục thiếu niên nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo".

            Đây là nội dung cơ bản của giáo dục cộng sản cho thanh niên. Giúp thế hệ trẻ phấn đấu trở thành những chiến sĩ cách mạng, tham gia vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vì quá trình CNH, HĐH đất nước. 5 điều Bác dạy thanh niên là cốt cách của đạo lý làm người, là lẽ sống cao đẹp mà thế hệ trẻ phải học tập, tiếp thu, biến những lý thuyết, nguyên lý thành hành động cách mạng hàng ngày; rèn đức, luyện tài. Vì tương lai tươi sáng của Tổ quốc Việt Nam văn minh và hiện đại.

ĐV: TRẦN THANH TUẤN

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Trần Thị Phương Nam (10/02/2012)


“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.” Một câu nói đầy ý nghĩa của Bác Hồ, và câu nói đó dường như tôi đã khắc cốt ghi tâm.

         Những khi dạy học ở lớp, tôi luôn nhắc nhở học sinh phải chuyên cần học tập, tiết kiệm và trung thực. Tôi luôn trò chuyện với học sinh rằng nếu chúng ta không có nhiều sự thông minh, lanh lợi nhưng chúng ta cần cù, chăm chỉ thì ắt sẽ thành công.

         Tôi yêu học trò của tôi và tôi có gắng chỉ cho chúng biết những điều hay lẽ phải, cách sống để trở thành một con người có ích cho xã hội. Không những noi gương Bác, tôi còn cảm phục cả những người thầy giáo xưa kia đã vượt qua mọi nguy hiểm, thiếu thốn mà nghề dạy học đưa lại. Nhưng không nản chí, họ vẫn kiên cường chịu đựng để đến trường. Tôi thấy họ mặc dù thiếu thốn về cơm áo gạo tiền, nhưng giàu sự đồng cảm yêu thương. Còn tôi có tất cả thì phải cố gắng dạy thật tốt để có thể gieo mầm giống tốt đẹp trong mỗi chủ nhân tương lai của đất nước, để những mầm giống đó phát huy sức mạnh làm cho đất nước tươi đẹp, sáng sủa hơn. Tôi nguyện sẽ cố gắng làm hết sức những gì mình có thể  để xứng đáng với câu nói nghề giáo là một trong những nghề cao thượng nhất trong các nghề.

         Đọc sách “105 Lời nói của Bác Hồ”, tôi nhớ nhất là câu nói của Bác: “Huy hiệu của thanh niên ta là tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”. Ý nghĩa của nó là phải xung phong gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng… đồng thời phải vui vẻ, hoạt bát. Bản thân tôi đã đang và sẽ cố gắng hết mình cho công tác của mình, phấn đấu học hỏi hơn nữa để nâng cao tay nghề, tích cực trong giáo dục học sinh và luôn tạo ra sự công bằng cho tất cả đàn em thân yêu của mình.

Trần Thị Phương Nam (10/02/2012)

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Trần Lê Quốc Bình (3/2/2012)

Bác Hồ với thực hành tiết kiệm


Một chính khách nước ngoài được gặp Bác năm 1951 đã nói: “Tôi hiếm khi gặp một người thanh đạm đến thế và khinh thường mọi xa hoa đến thế”. Bác Hồ từng nói “người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn khó khăn, một người nào đó muốn sống hưởng ăn ngon, mặc đẹp là không có đạo đức”. Và Bác thường xuyên nhắc nhở phải coi đạo đức là gốc của người cách mạng, của con người, phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính.
       Theo Bác, thực hành tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải xem đồng tiền to bằng cái nong, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép mọi người phải nhịn ăn, nhịn mặc, trái lại tiết kiệm là cốt giúp vào tăng gia sản xuất, để dần dần nâng cao mức sống của nhân dân; tiết kiệm để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, để cải thiện đời sống nhân dân. Bác coi thực hành tiết kiệm là một quy luật đi lên của một đất nước và không phải chỉ nước nghèo mới thực hành tiết kiệm mà cả nước giàu cũng phải tiết kiệm. Người nói: “một dân tộc biết cần, kiệm, liêm, chính là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, một dân tộc văn minh, tiến bộ”.
             Bác thường bảo mọi người phải thực hành tiết kiệm. Đặc biệt là tiết kiệm thời gian. Bác khuyên anh em phải làm việc đúng giờ vì “thời gian quí báu lắm”.
            Sinh thời để tiết kiệm thời gian, Bác dạy: “Thời gian là vàng. Ai mang vàng vứt đi là điên rồ. Ai mang thời gian vứt đi là người ngu dại. Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân… vì vậy làm việc phải đúng giờ, chớ đến trễ về sớm… phải nhớ rằng dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó, ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.
          Chúng ta đã nghe nhiều, biết nhiều về những phẩm chất đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những câu chuyện hết sức giản dị, gần gũi trong cuộc sống đời thường, thiết nghĩ chúng ta hãy tự soi mình qua những câu chuyện của Bác. Dĩ nhiên, người ta không thể trở thành Hồ Chí Minh, nhưng mỗi người có thể học một số điều từ Cụ Hồ để làm cho mình trở nên tốt hơn. Để rồi âm ỉ trong mỗi người là niềm tự hào mang dòng máu con người Việt Nam, là con cháu Bác Hồ, để sống sao cho xứng đáng với những lời dạy của Người.
          Cổ nhân có dạy: “Gốc của thiên hạ là Quốc gia - Gốc của Quốc gia là gia đình - Gốc của gia đình là bản thân mỗi người”. Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm cá nhân mỗi người hãy làm theo và thực hành ngay hôm nay!
Chúng ta đã nghe nhiều , biết nhiều về những phẩm chất của Bác. Từ đó cá nhân mình đã cố gắng thực hành tiết kiệm, tự giác kiềm chế việc tiêu dùng quá mức ,giảm sự lãng phí. Tuyệt  đối không thử thói quen chi tiêu như trước đây, tích luỹ dần để nâng cao mức sống, phải suy nghĩ thật kỹ trước khi mua sắm những món hàng xa xỉ. Tạo một quyển sổ ghi chép để nắm tình hình chi tiêu hằng ngày, hằng tháng để sau này có gia đình sẽ dễ dàng trong việc quản lí chi tiêu.
Không chỉ ở nhà, mình cũng cố gắng thực hành tiết kiệm tại trường vừa để tiết kiệm cho nơi làm việc, vừa làm gương cho các học sinh noi theo như tắt bớt những thiết bị điện không cần thiết, sử dụng lại các giấy in còn 1 mặt…
Tiết kiệm là một đức tính rất cần thiết cho mỗi người. Mình mong mọi người chúng ta đều sẽ thực hành tiết kiệm như lời Bác dạy nhé.