Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

Đỗ Ngọc Quỳnh Như

ĐỨC TÍNH TIẾT KIỆM CỦA BÁC
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị anh hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thể giới nhưng suốt cả cuộc đời, Người luôn sống một cuộc sống giản dị, mẫu mực và là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm. Đó là một trong những phẩm chất đạo đức vô cùng cao quý, hiếm thấy ở một vị lãnh tụ nào trên thế giới. Đức tính tiết kiệm của Bác cũng là điều tôi tâm đắc nhất và luôn ngày ngày học hỏi và rèn luyện.

Trên cương vị là một Chủ tịch nước, bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác luôn nghĩ đến người nghèo “lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem số gạo tiết kiệm đó để cứu dân nghèo”. Một hôm, Bác đi họp ở đâu về, sợ Bác đói, nhà bếp vẫn để dành cơm cho Bác, nhưng Bác kiên quyết từ chối không ăn, mặc dù Bác chưa ăn cơm. Vì hôm đó đúng bữa nhịn của Bác để góp vào hũ gạo tiết kiệm.
Bác tiết kiệm đến cái nhỏ như tờ giấy: “Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai ba lần”. Và Bác đã làm để mọi người bắt chước là hàng ngày các văn bản Bác đều viết ở mặt sau của bản tin Thông tấn xã Việt Nam; còn phong bì Bác đều dùng lại phong bì của các nơi gửi tới đến 2, 3 lần.
Đặc biệt, Bác còn chỉ thị cho những người phục vụ: vá khăn mặt cho Bác, vá áo lót cho Bác, vá chiếu nằm cho Bác. Có lần, khi tất rách chưa kịp vá, anh em đưa đôi mới để Bác dùng. Bác cầm đôi tất xoay chỗ rách vào bên trong người Bác, rồi cười: "Đấy có trông thấy rách nữa đâu...". Có lần, thấy Bác mặc bộ quần áo ka ki đã sờn cổ, sờn tay, cán bộ phục vụ Bác xin được thay bộ khác, Bác bảo: Nếu thi sang thì thua, thi tiết kiệm thì thắng. Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của nước của dân, không phải thay... ".
Bài học bản thân: Làm được những việc nhỏ thì sẽ thành cái to như Bác đã chỉ rõ “nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm...mà lợi cho dân rất nhiều”. Chính vì lẽ đó, trong công việc cũng như trong cuộc sống tôi luôn tập cho mình thói quen tiết kiệm mọi nơi mọi lúc. Hằng ngày đứng trên bục giảng, tôi chắt chiu, tiết kiệm từng mẩu phấn nhỏ, rời khỏi bàn làm việc là với tay tắt công tắc đèn quạt và còn nhiều việc khác nữa trong cuộc sống hằng ngày. Có lẽ cũng vì những điều đó và những lời nhắc nhở của tôi mà các học sinh trong lớp tôi chủ nhiệm đã dần có ý thức hơn khi các em biết tiết kiệm từng quyển vở, ra khỏi phòng học biết tự giác tắt đèn quạt, đóng cửa cũng nhẹ nhàng hơn để giữ gìn tài sản sử dụng được lâu bền hơn. Có những lúc lớp chủ nhiệm của tôi có ý thức tắt máy lạnh để mở quạt, mở cửa trong những ngày lạnh để không khí trong lành và tiết kiệm điện hơn. Đó là những điều tôi rất vui khi đã phần nào học được lối sống tiết kiệm của Bác và giáo dục được những học sinh của tôi theo hướng tích cực hơn.

Sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được cả thế giới ngợi ca, kính phục. Năm tháng trôi qua, lịch sử biến thiên, nhưng Bác Hồ vẫn sống mãi. Bác đã đi xa, nhưng con cháu Bác vẫn hàng ngày tìm về cái đẹp mà Bác đã nêu gương để chau chuốt cái đẹp cho đời. “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chính là học tập và làm theo những mẫu mực cao đẹp đó của Người. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét